Chương trình GDPT mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Trong khi đó, Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu”, “đầu vào” vừa là “kết quả”, “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.
Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong khí đó, Chương trình GDPT hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành, thị |
Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, thực hiện yêu cầu của các Nghị quyết về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.
Chương trình GDPT mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này. Còn đối với trong Chương trình GDPT hiện hành, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với học sinh phổ thông.
Cho nên, Chương trình GDPT mới, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội. Còn đối với chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường cũng như của tác giả SGK và giáo viên.
Chương trình mới có sự giảm tải rõ nét ở số môn học, tiết học, giảm kiến thức kinh viện và tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, thực hiện phương pháp dạy học mới, đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục.
Để chương trình được triển khai thực hiện vào năm học 2020-2021 với lớp 1, cùng với việc triển khai chương trình mới, hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về việc chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị các ngành bám sát những nội dung, nhiệm vụ được phân công trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong quá trình chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình giáo dục phổ thông mới và lộ trình triển khai để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, giáo viên và các tầng lớp nhân dân