Môn Toán trong Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Mục tiêu, nội dung Chương trình môn Toán được xây dựng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, vì thế phương pháp dạy học cũng phải thay đổi cho phù hợp. Với yêu cầu đó, GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng Chủ biên Chương trình mới môn Toán - chia sẻ những yêu cầu cơ bản mà quá trình dạy học bộ môn Toán ở trường phổ thông cần tuân thủ.

Dạy Toán theo hướng kiến tạo giúp học sinh phát triển kỹ năng theo năng lực
Dạy Toán theo hướng kiến tạo giúp học sinh phát triển kỹ năng theo năng lực

Tổ chức dạy học theo hướng kiến tạo

Yêu cầu đầu tiên trong phương pháp dạy học môn Toán, theo GS Đỗ Đức Thái là đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó. Không chỉ coi trọng tính logic của khoa học Toán học như một khoa học suy diễn, mà cần chú ý cách tiếp cận dựa trên vốn kinh nghiệm và sự trải nghiệm của HS.

Đồng thời, quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của HS, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân HS. Cần tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạo, trong đó HS được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề. Đó là cách tốt nhất giúp HS có sự hiểu biết vững chắc, phát triển được vốn kiến thức, kĩ năng toán học nền tảng, từ đó hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực toán học.

Cùng với đó, linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức dạy học thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ngoài lớp..., mỗi hình thức có chức năng riêng nhưng cần liên kết chặt chẽ với nhau hướng đến mục tiêu phát huy tính tích cực và sáng tạo của HS, tránh rập khuôn, máy móc. Kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn.

Các phương tiện, đồ dùng học Toán là cần thiết để hỗ trợ, giúp HS khám phá, phát hiện và thể hiện các ý tưởng toán học trừu tượng một cách cụ thể, trực quan, đồng thời cũng là một trợ giúp tích cực cho giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy. Vì vậy, cần sử dụng đủ và hiệu quả các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đối với môn Toán. Có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm phù hợp với nội dung học và các đối tượng HS. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện thiết bị dạy học hiện đại một cách phù hợp và hiệu quả.

Bồi dưỡng năng lực giao tiếp toán học (thông qua nói và viết) cho HS là một phần quan trọng trong dạy học Toán. Thông qua thảo luận, HS xây dựng sự hiểu biết và củng cố tri thức của mình. Mặt khác, việc thảo luận, tranh luận cho HS cơ hội đặt câu hỏi, phỏng đoán, chia sẻ, làm rõ ý tưởng đề xuất, so sánh, giải thích cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Vì vậy, giáo viên phải lựa chọn phương pháp dạy học sao cho khuyến khích HS giao tiếp, lập luận toán học.

Thái độ học tập có ảnh hưởng đáng kể đến cách HS tiếp cận giải quyết vấn đề và đạt hiệu quả trong học toán. Giáo viên cần giúp HS phát triển niềm tin về vị trí, vai trò tích cực của toán học đối với đời sống con người trong xã hội hiện đại. Giáo viên cần giúp HS hiểu rằng, đối với một số vấn đề toán học, có thể có nhiều cách để đi đến câu trả lời chính xác và việc giải quyết các vấn đề toán học luôn đòi hỏi sự nỗ lực cao, sự cố gắng, kiên trì, bền bỉ và cần khuyến khích HS phát triển hứng thú, niềm tin, sự sẵn sàng học hỏi, tìm tòi, khám phá để có thể trở thành con người thành công trong học tập bộ môn Toán.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Tăng cường ứng dụng CNTT

Để thực hiện những yêu cầu cơ bản trong dạy học môn Toán theo định hướng phát triển năng lực, việc sử dụng phương tiện, đồ dùng học toán là cần thiết để hỗ trợ, giúp HS khám phá, phát hiện và thể hiện các ý tưởng toán học trừu tượng một cách cụ thể, trực quan, đồng thời cũng là một trợ giúp tích cực cho giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy. Vì vậy, chương trình đã nêu yêu cầu tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện thiết bị dạy học hiện đại ở cả 3 cấp học. Cụ thể:

Cấp tiểu học: Tùy theo điều kiện của từng trường, từng nội dung dạy học cụ thể mà giáo viên có thể lựa chọn một số mô hình, hoặc sử dụng phần mềm xây dựng một số hình ảnh trực quan hỗ trợ dạy học.

Cấp THCS, THPT, ngoài việc chủ động của giáo viên sử dụng như là phương tiện dạy học, chương trình còn dành thời gian cho HS được thực hành trong phòng máy tính với phần mềm toán học (Đại số, Hình học, Thống kê), nếu nhà trường có điều kiện thực hiện, có thể tổ chức cho từng HS hoặc từng nhóm HS thực hành xây dựng, thao tác, tính toán trên các phần mềm hỗ trợ sau khi kết thúc một bài hoặc một chương. Những trường không có điều kiện tổ chức phòng máy với việc sử dụng các phần mềm dạy học môn Toán, có thể giới thiệu cho HS thông qua các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá.

Chú ý trong đánh giá kết quả GD

Mục đích đánh giá kết quả giáo dục môn Toán là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của học sinh trên cơ sở yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp học, cấp học, điều chỉnh các hoạt động dạy học, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục môn Toán. Từ đó lập kế hoạch thúc đẩy quá trình hoc tập tiếp theo.

Để đánh giá được kết quả GD môn Toán theo định hướng phát triển năng lực HS, GS.TSKH Đỗ Đức Thái lưu ý nhà trường và giáo viên như sau:

Vận dụng kết hợp một cách đa dạng nhiều hình thức đánh giá (đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết), nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, thực hành, các dự án/sản phẩm học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn, tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng...) và vào những thời điểm thích hợp.

Đánh giá thường xuyên (đánh giá quá trình) đi liền với tiến trình hoạt động học tập của HS, tránh tình trạng tách rời giữa quá trình dạy học và quá trình đánh giá.

Việc đánh giá định kỳ, đánh giá tổng kết có mục đích chính là để đánh giá các mục tiêu học tập đã đạt được hay không. Kết quả đánh giá định kì và đánh giá tổng kết cũng được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích cho người học. Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức hoặc dưới hình thức các kì kiểm tra, đánh giá quốc gia. Đánh giá định kỳ ở trường học nên thực hiện vào cuối mỗi học kì và cuối năm học. 

Đánh giá năng lực người học thông qua các bằng chứng biểu hiện kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các hành động của người học. Vì vậy, cần thực hiện một tiến trình gồm các bước cơ bản như: Xác định rõ mục đích đánh giá; Xác định bằng chứng cần thiết; Lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá thích hợp; Thu thập bằng chứng; Giải thích bằng chứng và đưa ra nhận xét.

Thiết kế, tổ chức các tình huống có vấn đề, để thông qua việc xử lí, giải quyết các tình huống có vấn đề đó mà người học bộc lộ, thể hiện năng lực của mình.

Ngoài ra, cần lưu ý lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp. Chẳng hạn: Để đánh giá năng lực tư duy và lập luận toán học, có thể sử dụng một số phương pháp, công cụ đánh giá như các câu hỏi (nói, viết), bài tập... đòi hỏi người học phải trình bày, so sánh, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức; phải vận dụng kiến thức toán học để giải thích, lập luận.

Để đánh giá năng lực giải quyết vấn đề toán học, có thể: Thứ nhất, yêu cầu HS: Nhận dạng tình huống, phát hiện và trình bày vấn đề cần giải quyết; mô tả, giải thích các thông tin ban đầu, mục tiêu, mong muốn của tình huống vấn đề đang xem xét; thu thập, lựa chọn, sắp xếp thông tin và kết nối với kiến thức đã có. Thứ 2, sử dụng các câu hỏi (có thể yêu cầu trả lời nói hoặc viết) đòi hỏi HS vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, đặc biệt các vấn đề thực tiễn. Thứ 3, sử dụng phương pháp quan sát (như bảng kiểm theo các tiêu chí đã xác định), quan sát người học trong quá trình giải quyết vấn đề. Thứ 4, đánh giá qua các sản phẩm thực hành của người học (chẳng hạn sản phẩm của các dự án học tập)…

Khi giáo viên lên kế hoạch bài học cần thiết lập các tiêu chí đánh giá. Giáo viên phải đảm bảo ở cuối mỗi bài học, HS đã đạt được các yêu cầu cơ bản dựa trên các tiêu chí đã nêu, trước khi thực hiện các hoạt động học tập tiếp theo. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp với đánh giá của giáo viên các môn học khác, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ