Địa phương đón nhận chương trình mới: Sẵn sàng và chủ động

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chủ động đón nhận chương trình mới

Chuẩn bị triển khai chương trình mới, ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - cho biết, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành làm tốt công tác truyền thông tới cấp uỷ chính quyền, nhân dân và toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục hiểu rõ và có nhận thức đúng về chương trình cũng như yêu cầu cần thực hiện chương trình giáo dục (GDPT) mới. Địa phương cũng tiến hành rà soát thực trạng thừa thiếu và nhu cầu tuyển dụng giáo viên một cách cụ thể; tham mưu với Tỉnh uỷ Nghị quyết về vấn đề này.

“Qua rà soát, Phú Thọ còn thiếu trên 1.000 giáo viên phổ thông. Riêng cấp tiểu học còn thiếu hơn 800 giáo viên văn hoá, trong đó môn Tin học thiếu 268 giáo viên, tiếng Anh thiếu 218 giáo viên” – ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng cho biết đã rà soát và lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tiểu học để chuẩn bị cho triển khai chương trình mới lớp 1 từ năm học 2020-2021; dự kiến sẽ triển khai ở 1.100 lớp 1 với 2.400 giáo viên và chuẩn bị với lớp 2 và lớp 6, tiếp theo là lớp 3, lớp 7 và lớp 10... 

Cũng với tinh thần chủ động, cách đây 1 năm, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình GDPT tổng thể. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, sau Hội nghị trên, ngành GD&ĐT thành phố đã chuẩn bị rà soát đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đồng ý đầu tư xây mới 22 trường; bên cạnh đó tiếp tục đầu tư hàng năm cho cơ sở vật chất trường lớp. Sở GD&ĐT cũng đồng thời chú trọng chỉ đạo các nhà trường đổi mới trong dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tạo nền tảng thực hiện chương trình mới thông qua dạy học tích hợp liên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai giáo dục STEM, chương trình địa phương, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thông qua các hội thi, hội giảng trên toàn thành phố…

Tại Hưng Yên, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo đồng bộ các nhà trường thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Một trong những yếu tố khiến Hưng Yên tự tin khi triển khai chương trình mới còn là những bài học kinh nghiệm sau 3 năm địa phương này triển khai dạy học theo mô hình Trường học mới đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Chia sẻ những thông tin trên, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên – cho biết thêm: Tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống; quan tâm hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, về hợp tác quốc tế, từ năm 2017, tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT hợp tác với giáo dục Incheon (Hàn Quốc).

Trong 2 năm 2017, 2018, nước bạn đã cử 20 lượt cán bộ khoa học, giáo viên sang tập huấn cho 202 giáo viên các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học từ THCS đến THPT của tỉnh. “Những hoạt động trên thiết nghĩ là sự chuẩn bị tốt cho thực hiện chương trình GDPT mới” – ông Nguyễn Văn Phê nói.

Một tỉnh vùng khó như Lào Cai, khi chia sẻ về triển khai chương trình mới cũng tự tin về thế mạnh riêng. Thể hiện đồng thuận, ủng hộ phương án, lộ trình của Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh cho biết quyết tâm khắc phục khó khăn để triển khai thành công chương trình mới theo lộ trình.

Nhiều công việc đã được Lào Cai chủ động như rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đưa được các học sinh từ lớp 3 ở các điểm trường về trường chính; hoàn thành xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú cho giáo viên, học sinh vùng cao, với tổng số khoảng 2.000 phòng; đầu tư đủ nhà vệ sinh, nhà tắm, bếp ăn cho trường bán trú có học sinh bán trú; đồng thời, chủ động một bước trong tiếp cận và triển khai các hoạt động đổi mới giáo dục…

Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới
Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới  

Mong sớm triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên

Điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng quyết định thành công chương trình mới. Đây cũng là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - nhắc đến việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025; Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, hiện cả hai mới dừng ở quyết định phê duyệt; đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm sớm bố trí cho ngành để sớm triển khai.

“Các địa phương cũng rất phấn khởi khi tại hội nghị trực tuyến ngày 28/12/2018, trong phần trình bày của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về triển khai nghị quyết số 01 năm 2019 về kế hoạch phát triển KTXH năm 2019 đã nêu rõ: khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên các địa phương. Rất mong sớm có chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ về vấn đề này” – ông Tường kiến nghị.

Với Bộ GD& ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị sớm triển khai 2 kế hoạch về bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình, vì đội ngũ CBQL và giáo viên là yếu tố then chốt quyết định thành bại chương trình mới. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT thông cầu bồi dưỡng giáo viên đến tận cơ sở ở những nơi có điều kiện để trực tiếp được nghe Bộ bồi dưỡng.

Đại diện ngành Giáo dục Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng mong Bộ GD&ĐT sớm ban hành nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. Đặc biệt, nếu có thể, công bố 1 bộ SGK sớm, giúp giáo viên tự nghiên cứu, các nhà trường tự bồi dưỡng, từ đó tăng tính chủ động.

Cùng với đó, ông Chử Xuân Dũng đề nghị sớm có các quy định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, phòng học bộ môn; mong Bộ GD&ĐT chia sẻ, có định hướng với một số địa phương sĩ số học sinh/lớp còn đông…

Khẳng định địa phương quyết tâm chung tay, thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo trong triển khai chương trình mới, ông Lê Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên – thể hiện trăn trở trước thực tế giáo viên đang bị quá tải; từ đó đặt câu hỏi: Liệu có thể có chính sách để hỗ trợ những giáo viên phải bồi dưỡng trong hè?

Tại hội nghị, các địa phương cũng đưa ra những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến triển khai chương trình mới và được đại diện Bộ GD&ĐT cùng các bộ ngành liên quan giải đáp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.