Hải Phòng: Yêu cầu báo cáo "quỹ tự nguyện" khi người dân làm thủ tục đất

GD&TĐ - Ngày 27/4 và 29/4, Báo GD&TĐ có bài phản ánh về việc người dân đi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đất bị “ép” đóng thêm quỹ tự nguyện ở huyện An Dương.

Phòng một cửa UBND huyện An Dương.
Phòng một cửa UBND huyện An Dương.

Ngay sau đó, UBND huyện An Dương đã có công văn gửi các đơn vị liên quan yêu cầu rà soát, báo cáo nội dung báo nêu.

Khổ vì thủ tục hành chính

Cụ thể, ngày 27/4, Báo GD&TĐ có bài: Cấp quyền sử dụng đất tại An Dương - Hải Phòng: Người dân khổ vì… “1 cửa” và “quỹ tự nguyện”. Bài báo phản ánh tình trạng người dân khi chuyển nhượng nhà, đất tại huyện An Dương (Hải Phòng) tranh nhau ghi sổ, bấm số, viết cam kết, xin xác nhận của địa phương.

Mặc dù, với những thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu của người dân với các lĩnh vực hành chính khác nhau, nhưng quá trình vận hành, điều khiển tại phòng một cửa chưa khoa học, không kiểm soát tốt dẫn đến sự bát nháo trong việc lấy số đăng ký. Đặc biệt tại nơi làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất.

Theo phản ánh của nhiều người dân, để được lấy số vào làm thủ tục ngay đầu giờ sáng họ phải có mặt tại cổng văn phòng một cửa của huyện An Dương từ 4 - 5 giờ sáng. Từ ngày có máy bấm số tự động để tránh “mất lượt” khi lượng người ồ ạt kéo đến vào đầu giờ nên người đến sớm sẽ ghi danh sách thứ tự.

Đến khi cán bộ mở máy bấm số, một người trong số đó sẽ đứng đọc tên và bấm số cho mọi người. Tuy nhiên, việc làm này đã xảy ra nhiều bất cập do lượng người đông, nhiều người đăng ký hộ nhau hoặc bấm 2 - 3 lần vì thế dẫn đến sự tranh cãi, “náo loạn” tại phòng một cửa. Sự văn minh hiện đại thay thế bởi sự nhốn nháo, tranh cãi bởi tiếng ồn ào, cự cãi.

Chính vì lượng người đến làm thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất đông, bất cập trong bấm số, xếp lốt và không được hướng dẫn thủ tục hành chính đầy đủ ngay từ cửa vào khiến nhiều người dân phải đi đi lại lại 3 - 4 lần mới có thể hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để cán bộ tiếp nhận.

Điều bất cập nhất tại phòng một cửa UBND huyện An Dương là người dân khi đến nộp hồ sơ chuyển nhượng đất, tài sản gắn liền với đất không có bảng biển hướng dẫn 1 bộ thủ tục đầy đủ các hồ sơ họ cần chuẩn bị những giấy tờ nói trên. Công dân đến giao dịch mất rất nhiều thời gian đi lại, bổ sung giấy tờ.

Việc khiến hiệu quả tiếp nhận hồ sơ không cao, bộ phận một cửa đã đông nay lại càng trở lên ùn ứ, chậm trễ gây quá tải cho cán bộ và mệt mỏi cho công dân đến giao dịch.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân, trước khi nộp thuế họ sẽ phải viết Bản cam kết giá trị thửa đất tại hợp đồng công chứng và giá trị giao dịch thực tế nếu không đúng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tiếp đó, người dân đến làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất tại UBND huyện An Dương đều được yêu cầu về xã xin giấy xác nhận miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (với mức đóng dưới 50 nghìn đồng/năm trở xuống) theo Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội và biên lai thu thuế phi nông nghiệp với những mảnh đất có giá trị đóng thuế cao hơn 50 nghìn/năm.

Mỗi lần công dân đến xã xin giấy xác nhận này sẽ phải nộp 1 - 2 triệu đồng/giấy xác nhận cho kế toán xã.

Ngày 29/4, Báo GD&TĐ có bài: Hải Phòng: Làm thủ tục đất đai bị “ép”... đóng thêm quỹ tự nguyện. Bài báo phản ánh: Nhiều người dân khi đến UBND xã Bắc Sơn, huyện An Dương làm các thủ tục liên quan đến xác nhận đóng thuế, miễn thuế đất phi nông nghiệp khi mua bán đất tại xã này sẽ phải nộp tiền ủng hộ quỹ địa phương với số tiền 50.000 đồng/m2.

Thực tế, đã có người dân phải nộp gần 5 triệu đồng khi đến địa phương này hoàn thiện các thủ tục để sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tờ phiếu thu được xã này phát ra có nội dung: Đóng góp địa phương tự nguyện khác. Người kí trong phiếu thu là thủ quỹ Nguyễn Đình Tiến. 

Chấn chỉnh ngay

Trả lời về sự việc trên, ông Đinh Văn Quyền - Chánh Văn phòng huyện An Dương cho hay: Ngay khi nhận được thông tin Báo GD&TĐ phản ánh, UBND huyện An Dương đã có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh An Dương; Chi cục Thuế Hồng Bàng - An Dương; UBND các xã, thị trấn để làm rõ các thông tin liên quan đến báo chí phản ánh.

Về nội dung “bát nháo” trong lấy số tự động tại phòng một cửa, UBND huyện An Dương cho rằng: Mục tiêu của việc bố trí máy lấy số tự động nhằm giúp cho khách hàng, người dân đến yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính được xếp lượt công bằng, hợp lý; dự kiến được thời gian đến lượt tiếp nhận giao dịch, đến quầy cần giải quyết thủ tục hành chính để giao dịch khi đến lượt, tránh nhầm lẫn khi đọc tên.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của huyện ven đô, 4 tháng đầu năm 2022 số lượng hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại huyện tăng, nhất là lĩnh vực: Đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biện pháp bảo đảm (số lượng đăng ký, lấy số tự động yêu cầu giải quyết thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai khoảng 180 - 200 người/ngày).

Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh An Dương đã bố trí 2 cán bộ của đơn vị tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu (hàng ngày còn 40 - 60 người đã lấy số nhưng chưa được tiếp nhận, giải quyết). Do vậy, công dân phải chờ đợi, lượng hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết ngày một tăng.

Về nội dung này, UBND huyện đã chỉ đạo Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm, bố trí cán bộ hướng dẫn công dân thực hiện lấy số tự động đầu giờ bảo đảm ổn định. Đồng thời, huyện tăng cường giải pháp công nghệ kết nối với thiết bị lấy số để bảo đảm công bằng, văn minh.

Liên quan đến phản ánh bất cập khi đến nộp hồ sơ chuyển nhượng đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai - Chi nhánh An Dương cho rằng: Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện đã trang bị máy móc hiện đại và niêm yết bộ thủ tục hành chính lĩnh vực Tài nguyên & Môi trường trên địa bàn thành phố (được cập nhật thường xuyên), thể hiện chi tiết các loại giấy tờ cần phải nộp cho từng loại thủ tục hành chính về đất đai hoặc người dân có thể sử dụng máy tính bảng để tra cứu thành phần hồ sơ tại Cổng dịch vụ công.

Tuy nhiên, do số lượng công dân đến giao dịch đông, 4 tháng đầu năm 2022 Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh An Dương đã tiếp nhận giải quyết 7.422 hồ sơ. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, UBND huyện chỉ đạo bổ sung niêm yết thêm bảng treo để công dân dễ tiếp cận, hạn chế hồ sơ phải trả lại bổ sung giấy tờ.

Đồng thời, UBND huyện đã ban hành Công văn số 629/UBND-VP ngày 27/4/2022 đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai - Sở tăng cường, hỗ trợ thêm nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế tồn đọng lượng hồ sơ không được tiếp nhận giải quyết, phục vụ tốt yêu cầu của tổ chức, công dân trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Ngày 5/5, làm việc với Báo GD&TĐ, ông Quyền nhấn mạnh: Khi xác minh thông tin báo nêu, UBND huyện thấy rằng có việc người dân tự ý lập danh sách người đến làm thủ tục tại phòng một cửa; có cán bộ có hướng dẫn người dân bấm số vì lượng giao dịch đông.

Nhưng nội quy của phòng một cửa là không được phép lập danh sách. Vì thế, UBND huyện đã chấn chỉnh việc này để người dân giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm theo đúng quy định.

Về việc thu tiền quỹ tự nguyện hiện nay các xã, thị trấn đang rà soát, báo cáo và sẽ có thông tin tới báo chí sau khi có kết quả tổng hợp, ông Quyền cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ