Cấp quyền sử dụng đất tại An Dương - Hải Phòng: Người dân khổ vì… "1 cửa" và "quỹ tự nguyện"

GD&TĐ - Người dân khi chuyển nhượng nhà, đất tại huyện An Dương (Hải Phòng) tranh nhau ghi sổ, bấm số, viết cam kết, xin xác nhận của địa phương...

Người dân làm thủ tục tại phòng một cửa.
Người dân làm thủ tục tại phòng một cửa.

Một số xã còn “vận động” người dân nộp 50 nghìn đồng/m2 khi giao dịch mua bán đất vào “quỹ tự nguyện”.

Khổ vì… 1 cửa

Thông tin huyện An Dương trên lộ trình lên quận khiến cho bất động sản tăng vọt trong 2 năm gần đây. Điều này khiến cho lượng người dân qua phòng một cửa của huyện để thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất tăng nhanh, dẫn đến nhiều bất cập.

Ngày 1/4, UBND huyện An Dương đã khánh thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân. Công trình có quy mô 2 tầng với tổng mức đầu tư hơn 12,4 tỷ đồng, thi công trong gần 3 tháng.

Đặc biệt phòng một cửa được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, thông minh, phần mềm tiên tiến, phù hợp với yêu cầu tác nghiệp ISO 9001:2015 như: Hệ thống lấy số tự động; đăng ký thủ tục hành chính, ki-ốt tra cứu thủ tục hành chính cảm ứng, hệ thống camera giám sát, đánh giá mức độ hài lòng…

Mặc dù, với những thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu của người dân với các lĩnh vực hành chính khác nhau, nhưng quá trình vận hành, điều khiển tại phòng một cửa chưa khoa học, không kiểm soát tốt dẫn đến sự bát nháo trong việc lấy số đăng ký. Đặc biệt tại nơi làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất.

Cụ thể, theo ghi nhận, mặc dù đã có máy lấy số tự động cho công dân đến giao dịch nhưng số lượng giao dịch thủ tục cấp quyền sử dụng đất đông nên chỉ ngay đầu giờ sáng đã ùn ứ tại phòng một cửa.

Thậm chí, theo phản ánh của nhiều người dân, để được lấy số vào làm thủ tục ngay đầu giờ sáng họ phải có mặt tại cổng văn phòng một cửa của huyện An Dương từ 4 - 5 giờ sáng. Từ ngày có máy bấm số tự động để tránh “mất lượt” khi lượng người ồ ạt kéo đến vào đầu giờ nên người đến sớm sẽ ghi danh sách thứ tự.

Đến khi cán bộ mở máy bấm số, một người trong số đó sẽ đứng đọc tên và bấm số cho mọi người. Tuy nhiên, việc làm này đã xảy ra nhiều bất cập do lượng người đông, nhiều người đăng ký hộ nhau hoặc bấm 2 - 3 lần vì thế dẫn đến sự tranh cãi, “náo loạn” tại phòng một cửa. Sự văn minh hiện đại thay thế bởi sự nhốn nháo, tranh cãi bởi tiếng ồn ào, cự cãi.

Chính vì lượng người đến làm thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất đông, bất cập trong bấm số, xếp lốt và không được hướng dẫn thủ tục hành chính đầy đủ ngay từ cửa vào khiến nhiều người dân phải đi đi lại lại 3 - 4 lần mới có thể hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để cán bộ tiếp nhận. 

Phó chủ tịch huyện không biết “quỹ tự nguyện”

Theo tìm hiểu thì, công dân sau khi hoàn thiện các thủ tục mua bán tại văn phòng công chứng đến bộ phận một cửa nộp hồ sơ, đa số họ chỉ cầm trên tay bộ hồ sơ gồm: Hợp đồng chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất; hộ khẩu, căn cước công dân photo của bên mua và bán; Giấy đăng kí kết hôn; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại bàn để phục vụ cho công dân hoàn thiện hồ sơ có hướng dẫn nội dung ghi tại các tờ khai: Đơn đăng kí biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; từ khai thuế thu nhập cá nhân; tờ khai lệ phí trước bạ nhà, đất. Người dân sẽ dựa vào hướng dẫn để khai theo mẫu.

Theo yêu cầu của cửa số 4 nơi tiếp nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện An Dương, thông thường sẽ gồm các loại giấy tờ sau đây: Hợp đồng chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (1 bản chính + 1 bản photo); CMND, hộ khẩu 2 bên mua - bán (có chứng thực); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1 bản chính, 1 bản photo);

Giấy tờ chứng minh tài sản chung/ riêng (giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng kí kết hôn); Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; tờ khai lệ phí trước bạ; tờ khai thuế thu nhập cá nhân; giấy xác nhận miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nếu mức thuế hàng năm là 50.000 đồng trở xuống, nếu 50.000 đồng trở lên phải có biên lai đã nộp thuế.

Tuy nhiên, điều bất cập nhất tại đây là người dân khi đến nộp hồ sơ chuyển nhượng đất, tài sản gắn liền với đất không có bảng biển hướng dẫn 1 bộ thủ tục đầy đủ các hồ sơ họ cần chuẩn bị những giấy tờ nói trên. Công dân đến giao dịch mất rất nhiều thời gian đi lại, bổ sung giấy tờ.

Điều đó khiến hiệu quả tiếp nhận hồ sơ không cao, bộ phận một cửa đã đông nay lại càng trở lên ùn ứ, chậm trễ gây quá tải cho cán bộ và mệt mỏi cho công dân đến giao dịch.

Ngoài ra, theo phản ánh của người dân trước khi nộp thuế họ sẽ phải viết Bản cam kết giá trị thửa đất tại hợp đồng công chứng và giá trị giao dịch thực tế nếu không đúng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Những thửa đất được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (dưới 50 nghìn đồng trở xuống) theo Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội thì hồ sơ sẽ phải có xác nhận của địa phương. Mỗi lần công dân đến xã xin giấy xác nhận này sẽ phải nộp 1 - 2 triệu đồng/giấy xác nhận cho kế toán xã.

Đặc biệt, có xã còn yêu cầu công dân phải nộp 50.000 đồng/1 m2 đất x số diện tích đất cần chuyển nhượng với nội dung trong phiếu thu: Đóng góp địa phương tự nguyện khác thì mới có thể có giấy xác nhận thuế để làm thủ tục sang tên bìa đất tại bộ phận một cửa huyện An Dương.

Phán ánh thông tin trên tới ông Lương Thế Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương (lãnh đạo phụ trách phòng 1 cửa của huyện), ông Quý cho rằng huyện tiếp thu và chấn chỉnh.

Sắp tới huyện sẽ liên kết với tập đoàn công nghệ lớn để lắp đặt hệ thống nhận diện khuôn mặt tại máy bấm số để hạn chế hiện tượng một người bấm 2 - 3 lần như phản ánh. Các thông tin liên quan đến ủng hộ kinh phí cho địa phương khi xin giấy xác nhận thuế không thuộc lĩnh vực ông Quý phụ trách nên ông không có ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ