Theo Sở GD&ĐT, năm học 2018 - 2019, số giáo viên được đào tạo chính quy chuyên ngành Đại học Sư phạm môn Giáo dục GDQP - AN tốt nghiệp trở về công tác là 63 người, thiếu so với thực tế bởi 2/3 số trường THPT loại 1 cần từ 2 - 4 giáo viên/trường, như các trường: THPT Thái Phiên, THPT Ngô Quyền, THPT Trần Nguyên Hãn...
Còn lại rất nhiều trường không có giáo viên được đào tạo chuẩn bộ môn này. Nên nhiều giáo viên dạy Thể dục, Lịch sử, Giáo dục công dân nhằm đảm nhận thêm phần lý thuyết môn GDQP - AN, bởi, đa số các trường THPT cho rằng, do không có cơ chế chính sách để có biên chế thêm giáo viên quốc phòng, nên nếu cử một giáo viên đi học văn bằng hai, các thầy, cô còn lại của trường phải gánh thêm từ 7 - 8 tiết/tuần.
Giải pháp trước mắt là các trường phân công một số giáo viên bộ môn trong trường đảm nhận việc dạy lý thuyết môn học này. Một số trường THPT ngoại thành Hải Phòng đang áp dụng theo cách này như: Trường THPT Vĩnh Bảo, Trường THPT Tiên Lãng, Trường THPT An Lão, Trường THPT Nguyễn Khuyến...
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường, hiện nay cũng có nhiều trường đã cử giáo viên của mình đi học thêm môn GDQP - AN tại Trường Đại học Hải Phòng để tăng thêm nguồn lực cho bộ môn.
Từ năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng có công văn, văn bản ký kết phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Bộ Tư lệnh Hải Quân... giảng dạy phần thực hành môn GDQP - AN cho học sinh THPT. Đồng thời, Sở đang tiếp tục triển khai chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên GDQP - AN đạt chuẩn.
Tuy nhiên, điều mà các trường THPT băn khoăn là cần phải có cơ chế tuyển dụng giáo viên bộ môn GDQP – AN, đồng thời có sự đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện để việc học tập bộ môn đạt hiệu quả.