Những điểm sáng như Nguyễn Thị Oanh, Trần Văn Đảng hay Phạm Thị Hồng Lệ, kỷ lục quốc gia được thiết lập không đủ xua đi thực trạng thành tích của hầu hết các vận động viên đều đi xuống và cả nỗi trăn trở về bài toán kế thừa.
Chạy đà cho SEA Games 31
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong gần 2 năm qua, hầu hết các vận động viên đội tuyển điền kinh Việt Nam không được tham dự giải đấu quốc tế nào.
Thế nên, Giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2021 diễn ra từ ngày 9 đến 13/12, trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình là cuộc tổng rà soát lực lượng của bộ môn điền kinh để chuẩn bị cho SEA Games 31, đặc biệt là ASIAD 19, đồng thời còn là cơ hội để các nhà quản lý xem xét và đánh giá chiến lược phát triển của môn thể thao “nữ hoàng”.
Kết thúc giải, điểm nổi bật đầu tiên ghi nhận là có có 3 kỷ lục quốc gia được thiết lập. Ở nội dung 5.000m nữ, Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) giành huy chương vàng với thành tích 15 phút 53 giây 48, phá kỷ lục quốc gia được thiết lập bởi Đoàn Nữ Trúc Vân (16 phút 12 giây 73) từ năm 2003.
Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định) huy chương vàng nội dung 10.000m nữ, với thành tích 34 phút 01 giây 59, phá kỷ lục quốc gia do Nguyễn Thị Oanh thiết lập (34 phút 08 giây 54) vào năm 2020.
Trong khi đó, Nguyễn Thành Ngưng (TP Đà Nẵng) xác lập một kỷ lục mới ở nội dung đi bộ 20.000m trong sân, với thời gian 1 giờ 33 phút 22,06 giây.
Bên cạnh đó, “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh tiếp tục thống trị đường đua 100m. Ngần Ngọc Nghĩa có màn thể hiện ấn tượng với tấm huy chương vàng cự ly 100m nam, trở thành hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.
Nguyễn Thị Oanh còn làm tốt hơn như thế khi cô giành 3 huy chương vàng ở các nội dung 5.000m nữ, 3000m nữ chướng ngại vật và 1.500m nữ. “Lão tướng” Nguyễn Văn Lai tiếp tục giành tấm vàng nội dung 5.000m nam. Vận động viên 35 tuổi đã có 12 lần vô địch ở cự ly này tại các giải vô địch quốc gia.
Ở nội dung 800m nữ, vận động viên Khuất Phương Anh (Hà Nội) đã vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Đinh Thị Bích (Nam Định) để giành huy chương vàng. Trên đường chạy 3.000m nam vượt chướng ngại vật, Lê Tiến Long (Hà Tĩnh) đánh bại nhà vô địch SEA Games 30 Đỗ Quốc Luật để giành vị trí số 1.
Các tuyển thủ quốc gia khác như Nguyễn Thị Huyền, Trần Văn Đảng, Bùi Văn Sự, Trần Nhật Hoàng, Bùi Thị Thu Thảo... thi đấu thành công ở các nội dung sở trường.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Giải đã về đích an toàn trong bối cảnh Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Đã có 31/42 đoàn giành được huy chương tại giải, các trung tâm mạnh vẫn giữ được vị thế của mình.
Nhưng việc 3 đơn vị đứng đầu chỉ cách nhau một tấm huy chương vàng nói lên sự ganh đua quyết liệt của giải. Các vận động viên đội tuyển quốc gia vẫn chiếm những vị trí đầu ở các nội dung thi đấu của mình. Ở nhiều nội dung, các gương mặt trẻ cũng dần khẳng định được mình.
Sau giải điền kinh vô địch quốc gia 2021, theo chia sẻ của ông Hùng, khó khăn nhất đối với đội tuyển điền kinh thời điểm này là các giải đấu quốc tế đều hoãn, trong khi đó, cả vận động viên chủ lực và vận động viên trẻ rất cần thi đấu cọ xát để có thể hoành thành trọng trách tại SEA Games 31.
Không được thi đấu, vận động viên rất khó nâng cao trình độ. Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn trước dịch bệnh là ưu tiên số một. Trước mắt, vào tháng 3/2022, điền kinh Việt Nam sẽ tham gia Giải điền kinh tiền SEA Games 31 trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao) Hoàng Quốc Vinh cho biết: Để đội tuyển điền kinh hoàn thành mục tiêu bảo vệ ngôi đầu tại SEA Games 31 (15-17 huy chương vàng), Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, bổ sung dinh dưỡng cho các vận động viên tập luyện.
Ngành thể thao cũng cố gắng tổ chức nhiều giải trong nước giúp các vận động viên có điều kiện thi đấu cọ xát, duy trì phong độ, bởi việc đi nước ngoài tập huấn, thi đấu lúc này là vô cùng khó khăn.
Báo động bài toán kế cận
Mặc dù vậy, tham vọng giành ngôi đầu SEA Games 31 của đội tuyển Điền kinh Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức. Trên thực tế, thành tích của rất nhiều vận động viên, đặc biệt là nhóm nằm trong “quy hoạch” đội tuyển đều thấp hơn so với chính họ. Lý do bởi Covid-19 khiến cho các vận động viên không được thi đấu.
Nhóm ở TPHCM và các tỉnh phía Nam có gần nửa năm không tập luyện, hoặc tập trong điều kiện khó khăn. Vấn đề làm gì để các vận động viên được tập luyện thường xuyên và thi đấu cọ xát, duy trì phong độ đang trở thành bài toán gần như không có lời giải cho ngành Thể thao.
Thông thường, chuẩn bị cho các sự kiện lớn, đội tuyển quốc gia đều chọn tập huấn ở nước ngoài để nâng cao trình độ và thành tích, ít nhất từ 4 đến 6 tuần. Nhờ đó, họ sẽ đạt được phong độ và sự hưng phấn cao trong thi đấu, cải thiện về tâm lý lẫn thể lực.
Ngoài ra, điền kinh là môn thể thao luôn có sự thay đổi về thành tích nên việc thường xuyên tập luyện, thi đấu, cọ xát ở các giải quốc tế trước đối thủ mạnh mới giúp vận động viên nâng cao thông số, tạo tâm lý ổn định và phát triển chuyên môn.
Nếu chỉ “tập chay”, sẽ gây khó khăn trong việc điều chỉnh để tạo sự đột phá về thông số. Vận động viên không thể bung hết sức nên khó xác định thành tích họ đang ở tầm nào, thay đổi ra sao.
Như trường hợp của Tú Chinh, cô “vô đối” trên đường chạy 100m và 200m nữ với thành tích 11 giây 66 và 23 giây 69. Trong khi đó, tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2020, Tú Chinh chạy 100m với thành tích 11 giây 43. Thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Tú Chinh là tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018 là 11 giây 40.
Ở SEA Games 30, Tú Chinh giành chức vô địch với thời gian 11 giây 54. Được biết, suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, Tú Chinh gần như không được tập luyện. Trước giải năm nay, Tú Chinh mới có khoảng 6 tuần tập chuyên sâu và chân vẫn đang đau.
Ngoài ra, do không được thi đấu và gấp rút tập luyện, trước ngày Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021 khởi tranh một tuần, Quách Thị Lan (Thanh Hóa) chấn thương phải bỏ thi đấu hai nội dung sở trường là 400m, 400m rào.
Điều đó phần nào khiến 2 nội dung này mất đi tính cạnh tranh khốc liệt, và Nguyễn Thị Huyền của Nam Định dễ dàng giành cả 2 huy chương vàng. Đặc biệt, thành tích của Huyền rất thấp, cô chạy 55 giây 30 (400m) và 1 phút 00 giây 36 (400m rào). Kỷ lục quốc gia ở nội dung 400m rào của Quách Thị Lan là 55 giây 30.
Không chỉ là sự đi xuống về chỉ số chuyên môn, vấn đề ở chỗ, tính cạnh tranh ở nhiều nội dung cũng trên đà suy giảm. Nhiều tuyển thủ, ở nhiều cự ly dễ dàng bảo vệ thành công chức vô địch của mình và hầu như chưa có đối thủ xứng tầm.
Nguyễn Văn Lai đã 35 tuổi, nhưng anh vẫn là vua ở nội dung 5.000m nam, với 12 chức vô địch quốc gia, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Những Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thành Ngưng hay Nguyễn Thị Huyền… dù không còn trẻ nhưng chưa thấy ai trở thành đối trọng thực sự của họ.
Những cú bứt phá mang tính đột biến từ đường chạy 1.500m nam, Trần Văn Đảng vượt qua vận động viên kỳ cựu Dương Văn Thái để giành tấm huy chương vàng; Huỳnh Thị Mỹ Tiên (Vĩnh Long) bảo vệ thành công tấm huy chương vàng chạy 100m rào nữ quốc gia, có thông số tốt hơn huy chương vàng SEA Games 30… quá ít ỏi cho đội tuyển điền kinh Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, các nhà chuyên môn đã lên tiếng “cảnh báo” về tính kế thừa của môn thể thao “nữ hoàng”, đặc biệt sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp chúng ta giành vị trí số 1.
Trong thể thao, thành tích luôn phụ thuộc vào yếu tố con người, “có bột mới gột lên hồ”. Tuy nhiên, điền kinh cũng như những môn thể thao khác, và cả bóng đá, nhân tài không phải cứ muốn có là được. Thực tế, có giai đoạn chúng ta có nhiều tài năng, nhưng cũng có giai đoạn “như lá mùa thu”. Điều đó dẫn đến sự lên xuống về thành tích là điều tất yếu.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục thể thao), bộ môn bơi lội, điền kinh hay bất kỳ môn thể thao nào cũng cần tính kế thừa. Ngành thể thao phải đào tạo được lứa kế cận, chứ không thể mãi trông chờ vào việc cá nhân nào mãi giành huy chương.
Tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2021, đội tuyển điền kinh Quân đội xuất sắc giành vị trí nhất toàn đoàn với 9 huy chương vàng, 12 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Sau 12 năm, đội tuyển điền kinh Quân đội mới giành được 9 huy chương vàng tại một giải điền kinh quốc gia.
Điều đó đến từ chiến lược phát huy truyền thống, thế mạnh và chú trọng trẻ hóa lực lượng của điền kinh Quân đội. Từ những bài học thành công của đoàn Quân đội, và giới chuyên môn đã báo động về tính kế thừa, rõ ràng đã đến lúc điền kinh Việt Nam phải thay đổi nếu không SEA Games 31 sẽ đánh dấu giai đoạn đi xuống của môn thể thao “nữ hoàng”.