Tuyển thủ điền kinh Khuất Phương Anh: “Trâu vàng” mong có vàng!

GD&TĐ - Phương Anh là một trong những nữ VĐV cá tính nhất của điền kinh Việt Nam.

Tuyển thủ điền kinh Khuất Phương Anh: “Trâu vàng” mong có vàng!

Trong năm Tân Sửu, cô gái bước vào tuổi “Trâu hai giáp” mong muốn hơn bao giờ hết về tấm HCV SEA Games đầu tiên sau hơn 10 năm đến với môn thể thao nữ hoàng.

Cơn khát vàng SEA Games

Phương Anh gây ấn tượng với những hình ảnh khá “dị và ngầu” trên sân đấu.
Phương Anh gây ấn tượng với những hình ảnh khá “dị và ngầu” trên sân đấu.

Nhắc đến VĐV sinh năm 1997 của Hà Nội, điều đầu tiên người ta ấn tượng chính là “độ ngầu” của cô. Phương Anh tiết lộ cô rất hâm mộ Allyson Felix - ngôi sao chạy tốc độ hàng đầu nước Mỹ và thế giới.

Khi xuất hiện trên sân đấu, Phương Anh luôn đầu tư rất kỹ về hình ảnh với những kiểu tóc và trang phục lạ mắt. “Tôi thích Allyson Felix vì cá tính và phong cách thi đấu. Nhìn cô ấy thật ngầu và những bước chạy thì quá đẹp” - Phương Anh chia sẻ. 

Nhưng với Phương Anh không chỉ là câu chuyện kiểu như “yêu nữ thích hàng hiệu” hay hình ảnh cực dị cùng khuôn mặt thi đấu lạnh lùng như người mẫu trên sàn catwalk. Bên cạnh những hình ảnh độc, lạ còn là một Phương Anh tài năng, luôn biết cách vượt qua thử thách.

Nữ VĐV trẻ Hà Nội trình làng ấn tượng, giành 2 HCB tại giải Điền kinh trẻ châu Á 2016 (400m cá nhân và tiếp sức), giải đấu diễn ra tại TPHCM, thành tích giúp Phương Anh chính thức có suất tham dự Giải điền kinh trẻ thế giới.

Đúng một năm sau, cô gái tuổi Sửu lọt vào danh sách đội tuyển Điền kinh Việt Nam tham dự chặng 1 Grand Prix châu Á, diễn ra tại thành phố Kim Hoa (Chiết Giang, Trung Quốc). Tuy chỉ về thứ 6 ở cự ly 800m với thành tích 2 phút 08,71 giây, song màn cọ xát ở Trung Quốc và sự tiến bộ không ngừng về chuyên môn trở thành tấm vé thông hành đưa Phương Anh đến SEA Games 2017.

Trên đất Malaysia, trong lần đầu tham dự Đại hội thể thao khu vực, cô gái Hà Nội xuất sắc giành HCB trên đường chạy 800m với thành tích 2 phút 09,5 giây. Người đồng đội Vũ Thị Ly đoạt HCV với 2 phút 07,12 giây. 

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII-2018, điền kinh Hà Nội thành công rực rỡ, đặc biệt thể thao Thủ đô lần đầu tiên sở hữu cả 2 tấm HCV trên đường chạy 800m nam, nữ. Trong đó, Phương Anh chứng tỏ sự tiến bộ, ý chí mạnh mẽ để đánh bại đàn chị Vũ Thị Ly (Ninh Bình). Thành tích của VĐV sinh năm 1997 là 2 phút 05,89 giây, phá luôn kỷ lục của đại hội.

Với đà thăng tiến chóng mặt, cứ ngỡ cơn khát vàng SEA Games của Phương Anh sẽ được giải tỏa tại Philippines 2019. Mặc dù vậy, trên đường chạy chung kết, cô gái Hà Nội vẫn chưa có vàng. Phương Anh một lần nữa về nhì với thành tích 2 phút 08,24 giây. Người về nhất là gương mặt đầy bất ngờ của đội tuyển điền kinh Việt Nam, Đinh Thị Bích với thành tích 2 phút 07,16 giây. 

Vai trò của người thầy

Khuất Phương Anh sinh ra tại thị trấn Phúc Thọ (Hà Nội). Khi đang học cấp 2, cô vượt qua vòng tuyển chọn và được đi thi đấu cấp huyện. Có thành tích chạy tốt, Phương Anh gia nhập đội chạy của huyện, trước khi được các thầy của đội năng khiếu Hà Nội phát hiện.

Vào thời điểm đó, gia đình cô phản đối kịch liệt, họ không muốn con mình vất vả và đi theo con đường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tương lai. Nhưng được sự động viên của HLV danh tiếng Nguyễn Hoàng An, cô gái cá tính Phương Anh đã từ bỏ ý định trở về nhà để chuyên tâm tập luyện, quyết tâm theo đuổi con đường chuyên nghiệp. 

“Người truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất khi mới bắt đầu theo nghiệp điền kinh là cô Nguyễn Hoàng An. Lúc đó, dù đã ở độ tuổi 60, cô vẫn hàng ngày đi hơn chục cây số để 5 giờ sáng có mặt huấn luyện, dù mưa hay nắng cũng vậy. Cô chính là động lực để tôi tiếp tục theo điền kinh. Một người  HLV tâm huyết với nghề, rất chiều và hiểu tính tôi nữa…” - Phương Anh cho biết.

Bên cạnh HLV Hoàng An, HLV Thúy Nga cũng là người có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Phương Anh. Theo chia sẻ, khi còn tập ở đội trẻ Phương Anh hay bỏ ngủ trưa để chơi games nên nhiều lần bị cô mắng. Nhưng cũng nhờ sự nghiêm khắc ấy mà nữ VĐV có tính cách và sở thích như con trai đã không đi chệch quỹ đạo.

2 năm sau khi gia nhập đội điền kinh Hà Nội, đến năm 2014 Phương Anh được gọi lên đội tuyển quốc gia. Những người thầy bên cô không hề bất ngờ bởi Phương Anh là mẫu VĐV luôn khao khát vươn lên và cô biết cách vượt qua những cám dỗ từ những thú vui của tuổi trẻ.

Sở trường của Phương Anh hiện nay là chạy 800m, song xuất phát ban đầu của cô lại là chạy 400m rào. “Trước đó, tôi là một VĐV 400m rào, nhưng sau khi lên đội tuyển quốc gia (2016) thì tôi được chuyển hướng sang 800m vì 400m rào có các chị rất mạnh là Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan”,  Phương Anh tâm sự.

Bất chấp cú “bẻ lái” bất đắc dĩ ấy, Phương Anh nhanh chóng thích nghi với đường chạy mới và sau đó gặt hái được nhiều thành công. Như tại giải điền kinh Thái Lan mở rộng 2018, cô gái trẻ người Hà Nội vượt qua nhiều đối thủ của nước chủ nhà để giành HCV nội dung 800m với thành tích 2 phút 8,93 giây.

Đây cũng là chức vô địch thứ 2 của Phương Anh tại giải đấu này sau tấm HCV ở nội dung 1.500m, qua đó giúp điền kinh Việt Nam gây ấn tượng mạnh với tổng cộng 4 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ. Những thành công ấy giúp cô trở thành vận động viên tiến bộ nhất trên đường chạy 800m nữ của điền kinh Việt Nam. 

Khuất Phương Anh thi đấu thành công tại giải vô địch Điền kinh quốc gia 2020.
Khuất Phương Anh thi đấu thành công tại giải vô địch Điền kinh quốc gia 2020.

Cơ hội tỏa sáng trên sân nhà

SEA Games 31 - 2021 sẽ diễn ra từ ngày 21/11 - 2/12 tại Việt Nam, bao gồm 40 môn thi đấu. Trong hai kỳ Đại hội khu vực gần đây, điền kinh Việt Nam đã tạo nên dấu ấn đặc biệt.

Tại SEA Games 29, lần đầu tiên trong lịch sử,  điền kinh Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để xếp vị trí thứ Nhất toàn đoàn, với tỷ số chênh lệch HCV so với đối thủ là 17 - 9.

Và 2 năm sau đó, tại SEA Games 30 ở Philippines, điền kinh Việt Nam lại một lần nữa thi đấu xuất sắc để đứng ở ngôi Vương với 16 HCV. Với vị thế số 1 khu vực, điền kinh Việt Nam đặt mục tiêu giành 17 - 19 Huy chương Vàng, giữ vững ngôi đầu tại kỳ đại hội trên sân nhà. 

Năm 2020, do Covid-19, điền kinh Việt Nam không được tham dự giải đấu quốc tế nào để kiểm tra trình độ. Do đó, Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020 diễn ra vào tháng 11/2020 vừa qua, được coi là cuộc tổng rà soát lực lượng chuẩn bị cho SEA Games 31.

Đáng chú ý, nhà vô địch SEA Games 30 Nguyễn Thị Oanh một lần nữa cho thấy khả năng phi thường của mình, khi giành tới 4 Huy chương Vàng. Lê Tú Chinh giành 5 Huy chương Vàng. Khuất Phương Anh giành Huy chương Vàng cự ly 800m sở trường. Cùng với đội Hà Nội, cô gái quê Phúc Thọ còn đoạt Huy chương Vàng 4x400m tiếp sức nữ ấn tượng và Huy chương Bạc 1.500m. 

Theo ông Dương Đức Thủy, phụ trách môn điền kinh (Tổng cục TDTT) đánh giá, giải đấu vừa qua như một cuộc tổng duyệt hướng tới hành trình chuẩn bị cho SEA Games 31 - 2021. Qua giải đấu này cho thấy, thành tích của các vận động viên trọng điểm vẫn giữ phong độ ổn định, đồng thời có sự vươn lên của các thế hệ kế cận.

Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết thêm, sẽ tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho các vận động viên tập luyện, đồng thời nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính để tổ chức nhiều giải đấu trong nước cũng như đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài khi có cơ hội. 

Trước mắt, Phương Anh và đội tuyển điền kinh Việt Nam là SEA Games 31 đầy khó khăn trên chính sân nhà. Mục tiêu giành Huy chương Vàng ở đấu trường thể thao Đông Nam Á sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho cô gái tuổi Sửu đầy cá tính của điền kinh Việt Nam.

Khuất Phương Anh được mệnh danh là “chuyên gia thả thính” bởi luôn gây bất ngờ với các dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội. Sở hữu vòng eo “con kiến” cùng khuôn mặt mang phong cách trang điểm cá tính, cô gái tuổi Sửu khiến nhiều người “bỏng mắt” bởi những tấm ảnh táo bạo. Theo Phương Anh, mẫu bạn trai lý tưởng của cô là một người trưởng thành, ấm áp, nhưng có đôi chút trẻ con cũng tốt, đặc biệt phải để ý tới cảm xúc của đối phương. Người ấy phải ngầu nữa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. Ảnh: Fatemeh Bahrami/Getty Images

Iran đòi Mỹ bồi thường nghìn tỷ USD

GD&TĐ - Một quan chức cấp cao Iran cho biết Washington phải bồi thường thiệt hại do lệnh trừng phạt đơn phương gây ra cho nước ông trong nhiều thập kỷ.