Đây là kết quả nghiên cứu khoa học hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông- thông qua vận tốc trung bình của phương tiện có gắn thiết bị giám sát hành trình, do hai học sinh Trần Hoàng Hải và Trần Minh Quang cùng học lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sáng chế và đạt giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn thành phố Hà Nội năm học 2016-2017.
Trần Hoàng Hải và Trần Minh Quang giới thiệu đề tài nghiên cứu hệ thống cảnh bảo ùn tắc giao thông.
Trần Hoàng Hải và Trần Minh Quang đã nghiên cứu xây dựng ứng dụng cảnh báo ùn tắc giao thông thông qua vận tốc trung bình của phương tiện có gắn thiết bị giám sát hành trình – một đại lượng có thể đại diện cho sự ùn tắc - trên nền tảng của hệ thống thông tin địa lý. Hệ thống hiển thị được tình trạng giao thông theo thời gian thực trên ứng dụng điện thoại, giúp người tham gia giao thông nhận biết và lựa chọn lộ trình thích hợp.
Trần Hoàng Hải cho biết: "Người sử dụng cần truy cập vào trang fanpage trafficgenie điểm đầu và điểm cuối của hành trình sẽ thấy được lộ trình ngắn nhất, ít tắc nhất, cho thời gian di chuyển ngắn nhất.
Trang này, chúng em đã có hướng dẫn để mọi người có thể vào ứng dụng sẽ có được bản đồ thể hiện mức độ vận tốc. Em mong muốn dựa vào kết quả của chúng em, cơ quan chức năng sẽ đưa ra một giải pháp lớn hơn như nâng cấp cơ sở hạ tầng hay các tuyến xe buýt mới...".
Để cập nhật tình hình giao thông, Trần Hoàng Hải và Trần Minh Quang đã tìm hiểu trên 5000 xe máy và xe ô tô ở 844 đoạn đường tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khi xảy ra ùn tắc và khi giao thông thuận tiện.
Quá trình này được thực hiện trong thời gian 4 tháng. Trên nền tảng của hệ thống thông tin địa lý (GIS), thực hiện việc xác định mức độ ùn tắc giao thông, nhóm dựa vào dữ liệu GPS từ các phương tiện.
Kết quả sau khi xác định được vận tốc trung bình của các xe di chuyển trên từng tuyến đường thì mức độ ùn tắc hiển thị theo màu sắc trên Website và thiết bị di động.
Trần Minh Quang cho biết: Từ vận tốc trung bình, nhóm đã phân loại theo mức độ ùn tắc tùy theo vận tốc được đặt ra. Ví dụ như dưới 10 km hoặc 5 km là tắc, từ 5 km đến 15 km là ùn, và trên 15 km là thuận lợi.
Quá trình xử lý và phân tích đã hiển thị được mức độ ùn tắc của từng đoạn theo thời gian thông qua màu sắc của đoạn đường đó.
"Dựa vào dữ liệu từ vận tốc trên thiết bị theo dõi hành trình trên các xe. Thế nên vận tốc lấy từ công tơ mét của xe và định vị cũng chính xác hơn rất nhiều.
Vận tốc lấy trước khi đưa vào bài toán xét vận tốc trung bình của tất cả các xe trên một đoạn đường, chúng em sẽ phải tính vận tốc trung bình của xe trong khoảng thời gian từ 1 đến 1 phút rưỡi.
Vận tốc GPS gửi về từ 5 đến 15 giây một lần. Sau khi cộng trung bình vận tốc tổng tất cả các vận tốc gửi về trong vòng từ 1 phút đến 1 phút rưỡi khoảng 5 đến 7 vận tốc, nó sẽ hạn chế được một số trường hợp khi mà xe dừng đỗ đón khách hoặc dừng đèn đỏ".
Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông như của VOV giao thông hiện nay, google map chỉ cho biết một số đường nhất định bị ùn tắc mà không thấy được toàn cảnh.
Theo Thạc sĩ Lê Quang dạy bộ môn trắc nghiệm Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội: Ưu điểm của phương pháp được xây dựng trên hệ thống thông tin địa lý, tức là thông tin có gắn với vị trí nên trực quan cũng hơn hẳn camera vì phải tích từng cái một.
Người sử dụng hệ thống cảnh báo chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại di động có thể xem được ngay tuyến đường nào ùn tắc, đường nào thông thoáng.
Thạc sĩ Lê Quang nói: "Đề tài này dùng vận tốc để cảnh báo và thể hiện tình trạng giao thông hết sức khả thi. Thứ nhất là GPS của thiết bị hành trình tốt hơn.
Thứ hai là vận tốc truyền về, ngoài vận tốc GPS ra, nó còn là vận tốc thực tế của xe vận tốc cơ của xe nên sẽ chính xác hơn. Trường Đại học giao thông vận tải cũng quan tâm đến vấn đề này.
Tôi cũng đã có công văn xin ý kiến của trường và trường cũng giới thiệu sang bên Tổng Cục quản lý đường bộ để làm việc".
Đề tài của Trần Hoàng Hải và Trần Minh Quang đã đạt được giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn thành phố Hà Nội năm học 2016-2017.
Tuy nhiên, đề tài này đang trong quá trình thử nghiệm. Để sử dụng hệ thống này, người dùng cần thực hiện qua nhiều thao tác là tải phần mềm ứng dụng và scan mã QRcode trên fanpage.
Hai em đang tiếp tục hoàn thiện đề tài ở quy mô rộng hơn để chuẩn bị tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia vào tháng 3/2017.
Nhóm tác giả mong muốn có thể được phát triển và kết hợp với các dữ liệu khác để giúp nhà quản lý có thể đưa ra giải pháp chống ùn tắc giao thông; giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm của cải vật chất cho xã hội.
Lực lượng cảnh sát giao thông có thể biết được điểm ùn tắc đó đã được điều tiết chưa, hoặc khi xảy ra tai nạn sẽ kịp thời có mặt tại hiện trường./.