Bên nào cũng lý do riêng để chứng minh rằng nên giữ và nên bỏ...
Tại dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hồi tháng 5/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất bỏ trần giá vé trên đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.
Đến tháng 2/2023, tại Tọa đàm Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức, vấn đề này lại một lần nữa được nêu ra “gay gắt” hơn.
Cụ thể, một thành viên thuộc Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam nhận định, việc duy trì giá trần vé máy bay là vô lý cho nên chấm dứt càng sớm càng tốt. Lý do là bởi trên thế giới hiện nay không có nước nào quản lý vé máy bay bằng giá trần mà để cạnh tranh tự do, thị trường quyết định.
Lý do tiếp theo là việc quy định giá trần sẽ tước đi cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của các hãng hàng không trong các giai đoạn cao điểm như Hè và Tết. Lý do nữa là việc áp dụng giá trần vé máy bay sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa vì tăng trưởng của thị trường nội địa hoàn toàn không phụ thuộc vào có nhiều hay ít giá vé đắt...
Ý kiến khác thì cho rằng, hiện nay chúng ta đã hội nhập, không thể một mình mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không.
Hơn nữa, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh nên nếu vẫn áp giá trần sẽ không theo kịp. Khi bỏ giá trần, cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp hàng không sẽ phải công khai, minh bạch hơn để người dân yên tâm rằng không bị các hãng “bắt tay nhau” để ép giá.
Tuy nhiên, trong Báo cáo giải trình Luật Giá (sửa đổi), Chính phủ cho biết, Luật Hàng không dân dụng và dự thảo Luật Giá hoàn chỉnh cơ chế định giá vé máy bay tới đây được chuyển từ khung giá sang giá tối thiểu, tức bỏ quy định giá sàn.
Việc này nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ. Nếu bỏ giá trần sẽ dẫn tới không còn công cụ điều tiết giá với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Bên cạnh đó, hàng không nội địa là dịch vụ thiết yếu, tác động tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh nên nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ đưa ra giá vé rất cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh sẽ hạn chế vé trong giai đoạn cao điểm.
Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới xã hội. Với mặt bằng thu nhập bình quân của người Việt hiện nay, giá vé tăng cao sẽ làm giảm mức độ tiếp cận dịch vụ hàng không của người dân. Do đó, khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ bỏ giá trần vé máy bay...
Về dài hạn, theo Chính phủ, khi thị trường có nhiều hãng tham gia, cạnh tranh thực chất bằng vé giá rẻ, chất lượng dịch vụ và hành khách được quyền chọn mức giá theo nhu cầu, khả năng chi trả, khi đó mới phù hợp để bỏ trần giá vé.
Kiến nghị bỏ trần giá vé máy bay từng được đưa ra nhiều lần với lý do giúp các hãng hàng không có thể tự cân đối, bù đắp chi phí đầu vào ngày càng tăng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, việc bỏ hay không bỏ phải có lý lẽ thuyết phục và phải hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.