Hải Dương tập trung cao nguồn lực cho đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Sáng 12/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về tình hình giáo dục của địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Hải Dương có Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng; Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT, các sở, ngành, các Phòng GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục.

Chất lượng giáo dục phát triển toàn diện, bền vững

Báo cáo tình hình giáo dục và đào tạo địa phương, ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương thông tin: Năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh có 842 trường mầm non, phổ thông (779 trường công lập, 63 trường tư thục); 1 trung tâm giáo dục thường xuyên - ngoại ngữ - tin học tỉnh và 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 4 trường đại học và 1 cơ sở đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; 1 trường trung cấp và 4 trường cao đẳng nghề.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Hải Dương luôn quan tâm chỉ đạo ngành GD-ĐT, các địa phương tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng chủ trì buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng chủ trì buổi làm việc.

Từ năm học 2020 - 2021 đến 2022 - 2023, các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Hải Dương đạt được 234 giải (6 giải Nhất; 59 giải Nhì; 81 giải Ba; 88 giải Khuyến khích). Đồng đội xếp theo tổng số giải nằm trong 6 đơn vị dẫn đầu toàn quốc (năm học 2020- 2021 xếp thứ 5; năm học 2021- 2022 xếp thứ 3; năm học 2022- 2023 xếp thứ 6).

Giải quốc tế và khu vực: 1 huy chương vàng quốc tế môn Hóa học năm 2021 và 1 huy chương bạc môn Tin học khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng năm 2021.

Kết quả thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia: từ năm học 2020- 2021 đến nay, học sinh của tỉnh đã đạt 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Tư.

Mạng lưới trường, lớp luôn được củng cố và phát triển. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục có sự phát triển toàn diện, bền vững.

Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD-ĐT, các địa phương rà soát điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, dự báo quy mô phát triển giáo dục… ưu tiên bố trí phòng học kiên cố, đồ dùng, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên cho các khối lớp thực hiện Chương trình.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện đúng quy định, công bằng, khách quan, đảm bảo lựa chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp, có chất lượng.

Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với tình hình tại địa phương theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT. Việc đổi mới đánh giá học sinh đã và đang có những tác động tích cực đến công tác dạy - học. Cơ sở giáo dục cơ bản đã thực hiện tốt quy định các loại hồ sơ, sổ sách theo Điều lệ trường học…

Kết thúc năm học, 100% trường tiểu học, THCS, THPT đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.

Ông Lương Văn Việt cũng cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến GD-ĐT.

Có thể kể đến: Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi tỉnh Hải Dương; chính sách với cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đang cho các ngành tham mưu ban hành chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh thuận lợi, ngành giáo dục ở Hải Dương cũng gặp những khó khăn liên quan đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Một số trường ở đô thị diện tích hẹp không thể mở rộng, số học sinh tăng nhanh, không đủ phòng học, phòng bộ môn.Trang thiết bị dạy học thiếu, nhất là thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, đội ngũ giáo viên bồi dưỡng đội tuyển một số môn còn mỏng; kinh phí đầu tư cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi còn hạn chế.

Một số môn học thiếu giáo viên như: Tiếng Anh (Tiểu học, THCS); môn Giáo dục công dân, Công nghệ (THCS).., các môn Âm nhạc (THPT), Mỹ thuật (THPT) chưa có giáo viên, nên chưa được triển khai ở cấp THPT. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn ở một số địa phương thiếu nguồn tuyển, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp…

Theo quy định về định mức giáo viên /lớp của Bộ GD&ĐT, nhu cầu bổ sung biên chế của các cấp học trên địa bàn tỉnh là: Mầm non 1.165 biên chế; tiểu học 1.460 biên chế; THCS 717 biên chế, THPT 272 biên chế.

Từ khó khăn thực tiễn, Hải Dương đề nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn, giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, nên bỏ tiêu chuẩn về quy mô số lớp tối đa đối với các trường vì đã có quy định diện tích bình quân tối thiểu cho 1 học sinh.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục và đào tạo một cách phù hợp với đặc thù của Ngành; tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Trường ĐH Hải Dương được thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh và mở thêm các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học khi đủ điều kiện, nhằm đáp ứng nhu cầu của tỉnh Hải Dương và các tỉnh trong khu vực. Cho phép Trường được tham gia vào hệ thống các trường được bồi dưỡng giáo viên, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tham gia các chương trình Đề án, đề tài cấp Bộ…

Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Chuẩn bị sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Hải Dương có 21.990 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh bố trí 44 điểm thi với 932 phòng thi. Địa phương huy động số lượng cán bộ thực hiện công tác coi thi là 3.255 người; trong đó có 44 trưởng điểm thi, dự phòng 2 người; 84 phó trưởng điểm thi; 110 thư ký điểm thi; 1.864 cán bộ coi thi, 190 cán bộ coi thi dự phòng; 333 cán bộ giám sát; 630 công an, trật tự viên, phục vụ, y tế, bảo vệ.

Thứ hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Hải Dương có chuyển biến tích cực. Năm học 2019-2020, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của tỉnh đứng thứ 18 toàn quốc. Thứ hạng này nâng lên thứ 16 trong năm học 2020 - 2021 và thứ 14 trong năm học 2021 - 2022.

Về chuẩn bị cho Kỳ thi , theo ông Lương Văn Việt, việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai, phân công thực hiện, chuẩn bị cho Kỳ thi được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

UBND tỉnh xây dựng phương án tổ chức kỳ thi theo Quy chế và Hướng dẫn thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp trong công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi.

Các điểm thi được đặt ở các cơ sở giáo dục có đầy đủ cở sở vật chất và các điều kiện phục vụ thi, thuận tiện cho việc đi lại, ăn nghỉ của thí sinh và cán bộ coi thi. Có lực lượng bảo vệ, đảm bảo an toàn cho đề thi, bài thi và cán bộ làm nhiệm vụ coi thi. Các điểm thi đã được chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất: phòng thi, bàn ghế đúng tiêu chuẩn, đảm bảo khoảng cách quy định. Phòng thi có quạt mát, ánh sáng…

Mỗi điểm thi bố trí ít nhất 1 phòng thi dự phòng. Mỗi địa bàn huyện, thị xã, thành phố bố trí 1 điểm thi dự phòng là các Trung tâm GDNN-GDTX.

Chỉ đạo các điểm thi chủ động phối hợp với lực lượng an ninh (công an, bảo vệ) và các ngành chức năng Y tế, Điện lực đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực thi bao gồm đảm bảo an toàn đề thi, bài thi, trật tự khu vực thi, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; an toàn vệ sinh thực phẩm…

Về các hoạt động hỗ trợ khác: Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch tham gia hỗ trợ kỳ thi bằng các hoạt động tình nguyện, tiếp sức mùa thi như: hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh tại các Điểm thi, cung cấp nước uống miễn phí, dụng cụ học tập… cho thí sinh, người nhà thí sinh tại các điểm thi. Phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm nóng về giao thông trong các ngày thi. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn việc đi lại, ăn nghỉ trong các ngày diễn ra kỳ thi; tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo cho 100% thí sinh tham dự kỳ thi…

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Tập trung nguồn lực cao nhất cho đổi mới giáo dục phổ thông

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo các vụ, cục của Bộ GD&ĐT đã trao đổi về những định hướng với giáo dục Hải Dương; lưu ý trong công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; đồng thời giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương đối với công tác giáo dục - đào tạo trên địa bàn. Ghi nhận kết quả giáo dục của địa phương, Bộ trưởng nhắc đến chỉ số kết quả thi tốt nghiệp THPT 3 năm nay giao động ở vị trí 14-18 trên toàn quốc, gần tương ứng với thứ tự về thu nhập, chỉ số kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó là nỗ lực về cơ sở vật chất, trường lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong bối cảnh gia tăng dân số; triển khai khá tốt hệ thống đào tạo ngoài công lập…

Thách thức phía trước còn nhiều; đặc biệt trong đổi mới giáo dục phổ thông, yêu cầu cao, tốc độ nhanh, mục tiêu lớn nhưng trong điều kiện có hạn. Nên, trong khi chúng ta chưa đáp ứng được tất cả các mục tiêu, hãy chọn mục tiêu cơ bản, cốt lõi để phấn đấu cho bằng được; vấn đề còn lại hoàn thiện dần qua thời gian. Mong lãnh đạo tỉnh ủng hộ, quyết tâm, ráo riết trong chỉ đạo. Bộ GD&ĐT sẽ luôn lắng nghe, đồng hành cùng tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Chia sẻ hiện nay trong công tác chỉ đạo, sự phân cấp giữa Bộ GD&ĐT và các tỉnh/thành về chức trách, nhiệm vụ rất rõ ràng, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã làm tốt, sẽ làm tốt hơn nữa; đã quan tâm, sẽ quan tâm hơn nữa đến giáo dục - đào tạo; đặc biệt là giáo dục phổ thông - mảng việc địa phương chịu trách nhiệm rất lớn.

Theo Bộ trưởng, thời điểm này, lượng công việc và các yêu cầu đặt ra trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông cần sự tập trung rất cao. Cụ thể, chúng ta đã triển khai Chương trình GDPT 2018 với các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; năm học tới tiếp tục triển khai các lớp 4, 8, 11; và tiếp nữa đến các khối lớp phổ thông cuối cùng triển khai chương trình mới.

Sở GD&ĐT cần tham mưu đánh giá kết quả triển khai chương trình GDPT 2018 đến đâu, mức độ thế nào, đặc biệt với lớp 10. Năm học 2023-2024 triển khai thêm 3 lớp, những khó khăn cũng sẽ tăng thêm; vấn đề thiếu nhân lực và thách thức khác còn lớn hơn nữa. Đồng thời, cần nhìn trước, thấy hết những khó khăn đặt ra để tham mưu cho tỉnh. Một số công việc lớn trong năm, Sở GD&ĐT cũng cần tham mưu để lãnh đạo tỉnh có kế hoạch sớm cho từng phần việc.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài trao đổi với địa phương về tình hình giáo dục - đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài trao đổi với địa phương về tình hình giáo dục - đào tạo.

“Đây là thời điểm cần điều kiện, nguồn lực một cách tập trung nhất, ráo riết nhất; cần thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị trước thềm năm học mới; rà soát trang thiết bị nào còn sử dụng được, những gì phải mua sắm mới, vướng mắc ra sao để tìm cách tháo gỡ…”. Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, việc này có lẽ phải trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo của tỉnh ủy, HĐND, UBND mới có thể đáp ứng, triển khai hiệu quả.

Chia sẻ về những khó khăn liên quan đến đội ngũ giáo viên của tỉnh, theo Bộ trưởng khó có thể giải quyết ngay, cần từng bước với nhiều giải pháp khác nhau: từ điều động, luân chuyển, bồi dưỡng để chuyển đổi các vị trí; đến tuyển mới, tạo nguồn tuyển...

Bộ trưởng đồng thời chia sẻ một số chính sách đặc thù của TP Hồ Chí Minh với nhà giáo và cho rằng, bên cạnh chế độ chính sách chung của nhà nước, Hải Dương nói riêng, các tỉnh/thành chủ động được nguồn ngân sách nói chung có thể tính toán ban hành chính sách ưu đãi riêng cho đội ngũ này như cách mà TP. Hồ Chí Minh đã làm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy trao đổi với địa phương về tình hình giáo dục - đào tạo.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy trao đổi với địa phương về tình hình giáo dục - đào tạo.

Cũng liên quan đến giáo dục phổ thông, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khối tư nhân mở hệ thống các trường ngoài công lập. Điều này vừa làm giảm sức ép cho hệ thống công, giảm sức ép về thiếu giáo viên, vừa đa dạng sự lựa chọn cho người học.

Với giáo dục đại học, Bộ trưởng quan tâm, lưu ý Trường ĐH Hải Dương sau quyết định sáp nhập của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo giáo viên và cho rằng: Nhà trường cần kế hoạch ráo riết hoàn thiện các điều kiện, đẩy nhanh việc thu hút cán bộ cũng như đào tạo tăng cường cho đội ngũ của mình. Đặc biệt, chuẩn bị điều kiện để mở thêm một số ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực đội ngũ giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật.

“Trong Chương trình GDPT 2018, Nghệ thuật đang là môn lựa chọn. Tuy nhiên, nếu để kéo dài việc không có giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thì người học sẽ thiệt thòi”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ và cho biết, Bộ GD&ĐT đang tính đến một số chính sách, nhưng nhà trường cũng cần chủ động đặt ra ngay lộ trình đào tạo những ngành này.

Liên quan đến đào tạo giáo viên, đưa thực trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nóng hiện nay, Bộ trưởng đề nghị Trường ĐH Hải Dương trong chương trình đào tạo cần tăng cường trang bị cho đội ngũ giáo viên tương lai kỹ năng, hiểu biết để có thể phát hiện, xử lý tình huống ngay khi bạo lực học đường chưa phát sinh. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hỗ trợ về tài liệu, tập huấn để đẩy mạnh nội dung này…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành trao đổi với địa phương về tình hình giáo dục - đào tạo.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành trao đổi với địa phương về tình hình giáo dục - đào tạo.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng lưu ý địa phương liên quan đến hoạt động tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Theo đó, riêng với Kỳ thi, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, chuẩn bị mọi điều kiện cẩn trọng, kỹ lưỡng, dự phòng các tình huống có thể xảy ra, trong đó có tình huống liên quan đến thời tiết cực đoan… để không xảy ra bất kỳ sai sót nào.

“Thách thức phía trước còn nhiều; đặc biệt trong đổi mới giáo dục phổ thông, yêu cầu cao, tốc độ nhanh, mục tiêu lớn nhưng trong điều kiện có hạn. Nên, trong khi chúng ta chưa đáp ứng được tất cả các mục tiêu, hãy chọn mục tiêu cơ bản, cốt lõi để phấn đấu cho bằng được; vấn đề còn lại hoàn thiện dần qua thời gian. Mong lãnh đạo tỉnh ủng hộ, quyết tâm, ráo riết trong chỉ đạo. Bộ GD&ĐT sẽ luôn lắng nghe, đồng hành cùng tháo gỡ”.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Thắng khẳng định: Để phát triển nhanh, bền vững, ổn định, lãnh đạo tỉnh Hải Dương các thời kỳ đều xác định vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục đào tạo và đầu tư nhiều nguồn lực, rất quan tâm đến lĩnh vực này. Vấn đề giáo dục, y tế, an sinh được xác định là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến các vấn đề khác.

Trên thực tế, giáo dục - đào tạo Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, ông Trần Đức Thắng cũng nhìn nhận lĩnh vực này, tỉnh còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, vướng mắc ngay trong nội tại; cần sự hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là Bộ GD&ĐT để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy đồng thời ưu tiên nhấn mạnh đến 3 nhóm việc; trước mắt là chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT; việc dài hơi hơn liên quan đến cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong đó khẳng định, ngành Giáo dục đề xuất, tỉnh hoàn toàn có điều kiện để đáp ứng triển khai các chính sách, chế độ riêng liên quan đến đội ngũ giáo viên. Với cơ sở vật chất, nơi nào trường tạm, trường mượn cần đầu tư xây dựng, sửa chữa, khi có đề xuất sẽ đáp ứng ngay.

Sau cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ sớm có cuộc làm việc về rà soát toàn bộ công việc liên quan đến giáo dục - đào tạo của tỉnh. Xem xét những chính sách giáo dục có gì tỉnh chưa thực hiện và phân công phân nhiệm tổ chức thực hiện thế nào trong thời gian tới; vấn đề chính sách riêng thu hút đội ngũ giáo viên, giữ chân, đào tạo được giáo viên giỏi cho tỉnh và cho cả nước… Từ đó nhanh chóng ban hành một nghị quyết riêng để thực hiện hiệu quả các nội dung này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ