Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc tại tỉnh Bạc Liêu

GD&TĐ - Sáng 12/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Bạc Liêu.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Bạc Liêu về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu (theo Quyết định số 435 ngày 22/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Tháp tùng đoàn công tác có lãnh đạo các Vụ trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ Công Thương; Bộ GTVT; Ngân hàng Nhà nước; Bộ KH&ĐT; Bộ NN&PTNT; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ TN&MT...

Phía tỉnh Bạc Liêu có bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các Sở, Ban ngành tỉnh.

Sản xuất, kinh doanh có tín hiệu khả quan

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu và các tồn tại, vướng mắc tại địa phương, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Quý I và 4 tháng đầu năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển khá. Trong quý I/2023, các trà lúa phát triển khá tốt, cho năng suất cao vào cuối vụ, sản lượng lúa thu hoạch 286.660 tấn, đạt 23,89% kế hoạch, tăng 12,04% cùng kỳ.

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu.

Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu.

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý I/2023 có nhiều diễn biến tích cực. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 5,15% so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước 4 tháng tăng 6,85% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường quý I ước đạt 18.206,8 tỷ đồng, bằng 24,73% kế hoạch, tăng 16,65% so cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường 4 tháng đầu năm ước đạt 25.118,04 tỷ đồng, bằng 34,11% kế hoạch, tăng 18,04% so với cùng kỳ.

Tình hình xuất khẩu hàng hóa trong quý I và 4 tháng năm 2023 có nhiều khởi sắc. Trong quý I, xuất khẩu 18.519 tấn thủy sản, đạt 19,49% kế hoạch, tăng 5,64% so cùng kỳ; 4 tháng đầu năm sản lượng thủy sản xuất khẩu ước đạt 24.563,4 tấn, đạt 25,85% kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu quý I là 187,4 triệu USD, đạt 18,74% kế hoạch, tăng 6,67% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 255,66 triệu USD, bằng 25,57% kế hoạch, tăng 6,72% so với cùng kỳ.

Các dự án trọng điểm do Trung ương quản lý như dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao 7,5/7,7km đạt 97,4%. Dự án đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam Sông Hậu, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trình Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất dự án…

Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Tỉnh Bạc Liêu nêu ra các khó khăn, vướng mắc về cơ chế sử dụng đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; Khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất; Vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, Vướng mắc về công tác xử lý, thu hồi đất đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai; Về chuyển hình thức trả tiền thuê đất hàng năm sang trả một lần; Về cho thuê đất; quy hoạch; chuyển mục đích sử dụng đất…

Lĩnh vực đất đai, tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT sớm có văn bản hướng dẫn xác định cơ chế sử dụng đất đối với Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để tỉnh triển khai kêu gọi đầu tư, hoàn thành các thủ tục về đất đai đối với các nhà đầu tư theo đúng quy định.

Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn tỉnh thực hiện việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện; Tham mưu đề xuất Chính phủ quy định cụ thể hơn các phương pháp định giá đất cụ thể; quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan, tổ chức trong việc xác định giá đất cụ thể; Tham mưu đề xuất Chính phủ có văn bản quy định xử lý việc chuyển mục đích sử dụng đất...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề nhưng tỉnh nỗ lực phục hồi kinh tế nhanh, thu ngân sách đảm bảo. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp nên tình hình kinh tế phục hồi ổn định…

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, con tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh có tiềm năng rất lớn, tỉnh đang phấn đấu trở thành “thủ phủ tôm” nên rất cần sự hỗ trợ, ủng hộ từ các bộ, ngành Trung ương.

Bạc Liêu cũng là “vùng trũng” về giao thông (không cảng, không đường sắt, không đường cao tốc và không có đường hàng không), dù tỉnh kêu gọi đầu tư nhưng giao thông khó khăn nên khó kêu gọi.

Về khó khăn, tỉnh đối mặt với vấn đề thời tiết do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thủy sản còn cao. Đầu tư xây dựng 3 tháng đầu năm tỉnh giải ngân còn chậm nhưng quý 2, 3 sẽ tăng tốc. Các dự án đầu tư, Trung ương, địa phương đã phân bổ hết, địa phương làm thủ tục đấu thầu và triển khai, nhưng khó khăn hiện nay là giá cả nguyên vật liệu tăng cao và khan hiếm…

Tại buổi làm việc, đoàn công tác và tỉnh Bạc Liêu đã trao đổi nhiều nội dung, nghe báo cáo tóm tắt của UBND tỉnh Bạc Liêu về tình hình kinh tế, xã hội; nêu các nội dung về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, phát triển hạ tầng, xuất nhập khẩu… Đại diện các bộ đã trao đổi phần nào một số nội dung, làm rõ thêm một số nội dung trong các kiến nghị, đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Cần quan tâm đến hạ tầng văn hoá, giáo dục, xã hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đoàn công tác nắm tình hình, vừa đôn đốc, vừa truyền đạt thông điệp của Thủ tướng và một số Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ. Qua đó nắm bắt, trao đổi, tháo gỡ, tập hợp kiến nghị của các địa phương. Những vấn đề có thể trao đổi, xử lý ngay; còn lại tập hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành tiếp tục xử lý, tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao, gửi lời chúc mừng tỉnh Bạc Liêu về kết quả điều hành, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tiến độ giải ngân đầu tư công tỷ lệ xấp xỉ 20% là cố gắng lớn; tuy nhiên từ nay đến cuối năm tỉnh còn nhiều việc phải làm.

Với 2 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh là lúa và tôm, cần lưu ý đến các giải pháp khoa học công nghệ, kết nối nhiều hơn với các chuyên gia, nhà khoa học. Nghiên cứu những giống lúa chịu mặn tốt hơn, giống tôm chịu mặn tốt hơn… Ngoài ra định hướng đa dạng hoá hơn về nông nghiệp, chú ý nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất, tỉnh cần quan tâm đến hạ tầng văn hoá, giáo dục, xã hội. Hiện tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của tỉnh là 82%, còn 18% chưa được kiên cố. Tỷ lệ các trường đạt chuẩn mức độ 1 hơn 92% nhưng mức độ 2 còn khiêm tốn.

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ theo Chỉ thị, Công văn chỉ đạo của Thủ tướng. Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức Công điện 280 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Kiên quyết khắc phục tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, không dám làm…

Theo dõi sát sao, phân tích, dự báo tình hình, những biến động chung của quốc gia, quốc tế; các địa phương cần đưa ra được dự báo riêng, tận dụng cơ hội riêng của địa phương để phát triển. Khẩn trương thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh là tổ trưởng theo tinh thần Nghị quyết 50 của Chính phủ...

"Triển khai ngay và hiệu quả các giải pháp về tháo gỡ khó khăn trong việc xuất nhập khẩu, trang thiết bị y tế, mua sắm trang thiết bị phục vụ đổi mới giáo dục. Thực hiện kịp thời các chính sách, giải pháp của Chính phủ phát triển bền vững đến năm 2025. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Quan tâm triển khai chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; quan tâm thị trường lao động...", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ