Ngứa có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nội khoa (viêm gan siêu vi, tắc mật, suy thận, thiếu máu, nhiễm ký sinh trùng...), bệnh da liễu (viêm da, ghẻ, chấy rận...), hoặc bệnh nội tiết (cường giáp, nhược giáp, các bệnh tự miễn) và thậm chí... mang thai cũng có thời kỳ gây ngứa, gọi là ngứa thai kỳ.
Sau đây chỉ đề cập cụ thể đến 2 bệnh gây ngứa thường gặp ở độ tuổi học trò là ghẻ (gale) và mề đay (urticaria).
Ngứa do ghẻ
Nhiều trường hợp chỉ ngứa về ban đêm, vì về đêm con người “rảnh” hơn và có thời gian để nghĩ đến... ngứa nhiều hơn. Do vậy, đã ngứa càng thêm ngứa. Ngứa có thể khiến chủ nhân phải sột soạt luôn tay, bất kể vị trí nào trên cơ thể. Các trường hợp ngứa về ban đêm, nói vui “hễ đêm là... ngứa”, thường do có... ghẻ.
Bệnh ghẻ là bệnh gây ra do một loài ký sinh trùng có tên khoa học là Sarcoptes Scabiei Hominis, mà chúng ta vẫn quen gọi với tên “cúng cơm” là “cái ghẻ”. Vào ban đêm, cái ghẻ đào hầm trên da và đẻ trứng gây sự kích ứng da nên cứ phải “sột soạt luôn tay tựa gảy đàn”!
Cái ghẻ hình bầu dục, trưởng thành có màu xám nhạt, kích thước 1/3 - 1/4 mm. Con cái thường to hơn con đực (không biết có phải vậy mà người ta gọi là “cái ghẻ” không?). Đầu cái ghẻ có vòi để hút thức ăn và thân có 4 đôi chân để di chuyển.
Những người tinh mắt có thể nhìn thấy và bắt được cái ghẻ trên da. Ghẻ là bệnh có khả năng lây lan mạnh, nhất là những nơi dân cư đông đúc, các khu tập thể chật chội, điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước tắm giặt không đảm bảo.
Chu kỳ sinh sản của cái ghẻ là 2 - 7 tuần. Mỗi ngày con cái đẻ được 4 - 5 trứng và cả đời đẻ được 40 - 50 trứng. Khoảng 1 tuần trứng nở thành ấu trùng và lột xác nhiều lần để trưởng thành. Khả năng lây lan bệnh ghẻ là do cái ghẻ có thể “nhảy dù” ra môi trường và “leo” lên thân thể của người khác.
DEP (Diethyl phtalat) là thuốc đặc trị bệnh ghẻ. Phòng bệnh ghẻ nhờ các biện pháp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh thân thể, tắm gội thường xuyên, giặt luộc áo quần chăn màn, phơi nơi nhiều nắng để giết chết cái ghẻ.
Ngứa do mề đay
Ảnh minh họa. |
Mề đay hay mày đay là loại bệnh dị ứng ngoài da. Đây là loại bệnh khá phổ biến, tuy không nguy hiểm nhưng rất khó chịu.
Về mặt cơ chế, mày đay xảy ra do giãn các mạch máu nhỏ trên da làm giải phóng các chất hóa học trung gian của cơ thể, tiêu biểu là các histamine từ tế bào mast.
Biểu hiện của bệnh là ban đỏ ngứa trên da hoặc sẩn phù, ranh giới khá rõ, kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm. Các biểu hiện này tồn tại vài giờ rồi nhạt màu dần và “rút êm” một cách tự động hoặc do điều trị.
Nguyên nhân của bệnh có rất nhiều. Trước hết là cơ địa dị ứng, tức là cơ thể nhạy cảm với một chất kích thích nào đó. Có những chất làm cho người này dị ứng nổi mày đay, nhưng những người khác thì không. Các nguyên nhân gây ra mày đay bao gồm:
- Yếu tố sinh học: Như côn trùng đốt, cây cỏ, lông thú vật (đáng lưu ý là lông chó, lông mèo).
- Yếu tố vật lý: Nắng, nóng, lạnh, môi trường không khí nhiễm bụi bẩn, hóa chất.
- Yếu tố thức ăn: Tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến, cá, thịt, trứng...
- Thuốc men: Một số thuốc dùng có thể gây nổi mề đay thường gặp như Penicilline, Aspirine... hay các loại vắc-xin chủng ngừa, các loại huyết thanh, truyền máu.
- Yếu tố tinh thần: Sự bực bội, phiền muộn hay lo lắng quá mức cũng tác động lên cơ thể gây ra bệnh.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khó xác định khác như do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng.
Trong số các nguyên nhân trên, nếu để ý thấy có yếu tố nào liên quan thì “tránh”. Ví dụ như mỗi lần ăn thịt gà thấy nổi mày đay thì đích thị thịt gà gây ra dị ứng, nên đành “ngậm ngùi” chia tay với thịt gà... Hoặc khi thay đổi môi trường sống, ví dụ như các nàng dâu khi xưa ở nhà bố mẹ không nuôi chó, nuôi mèo, nay về nhà chồng mèo chó đầy đủ đông vui, thì cũng coi chừng môi trường có lông chó, lông mèo gây ảnh hưởng. Nói tóm lại là cần phải “tế nhị” tìm hiểu những mối tương quan này.
Các thuốc dùng để chữa mày đay thông dụng như Chlopheniramine, Cézil, Loratadine... và một số loại kem bôi da như Phenergan, Flucinar… Cách sử dụng thuốc tốt nhất vẫn là tham vấn bác sĩ.
Điều cần làm khi bị... ngứa
Các bác sĩ sẽ khám “ngứa” và tùy nguyên nhân mà kê đơn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể chỉ dùng thuốc xoa tại chỗ hoặc phải dùng toàn thân. Nhưng nói chung, nếu ngứa do cơ địa dị ứng hoặc do các bệnh lý nội khoa thì còn phải… gãi dài dài, do việc điều trị nguyên nhân khó khăn và phức tạp.
Điều mà người bị ngứa có thể làm được là phải vệ sinh thật sạch đôi tay trước khi đi ngủ và lưu ý xà phòng tắm, giặt hoặc nước rửa tay đang dùng có “trách nhiệm” gì với sự phiền toái này không. Nếu phát hiện ra mối dây liên hệ thì lập tức “stop” ngay các chất dùng đó mà không cần phải tốn công đi tìm... bác sĩ.
Có một vũ khí quan trọng, đến độ không ngờ tới lại có khả năng giúp chiến đấu với... ngứa mà không tốn kém và chuẩn bị gì đó là một tinh thần “thép”. Khi cơn ngứa ập đến, cứ nghêu ngao hát... “Anh thấy em, anh giả như không thấy...” hoặc “Em thấy anh, em giả như không thấy...” , bình tĩnh, tâm trạng an nhiên như người ngồi thiền, tập trung toàn bộ tinh thần vào điều mình đang làm, đang suy nghĩ và cơn ngứa tự nó sẽ… tan biến.
Nói thì dễ, nhưng khổ luyện lắm mới thực hiện được cách chế ngự cơn ngứa mà không cần phải dùng thuốc này. Cố lên, khổ luyện nhé những người bị… ngứa ơi!