Đợt tập huấn diễn ra trong 2 ngày từ 25-26/10, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Chủ trì đợt tập huấn do cán bộ phòng chuyên môn Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cùng các báo cáo viên là giáo viên cốt cán của ngành thực hiện.
Ông Đậu Quang Hồng - Trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chủ trì buổi tập huấn. |
Tham dự lớp tập huấn có 138 học viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp dạy Chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 ở các trường THPT, Trường THPT có nhiều cấp học trực thuộc Sở, Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, Trung tâm GDTX tỉnh năm học 2022 – 2023.
Tại buổi tập huấn, GV đã được hướng dẫn, làm quen các phương pháp đổi mới trong dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Giáo viên tham gia đợt tập huấn tiến hành tìm hiểu quy trình Xây dựng ma trận, đặc tả ma trận Đề kiểm tra định kì Ngữ văn 10; nắm yêu cầu về chọn Ngữ liệu trong đề kiểm tra định kì Ngữ văn 10; thực hành xây dựng Đề và Đáp án Đề tham khảo định kì Ngữ văn 10...
Tham dự lớp tập huấn có 138 học viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trực tiếp dạy Chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10. |
Ngoài ra, giáo viên cũng được tìm hiểu các kỹ năng đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn theo Chương trình Phổ thông 2018 cần đảm bảo các nguyên tắc như: phát huy được tất cả các mặt năng lực tích cực; đa dạng câu hỏi và bài tập kích thích khả năng sáng tạo, vận dụng; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe…
Trong đánh giá kết quả học tập, GV cần lưu ý tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học sao chép nội dung tài liệu có sẵn. GV cần xây dựng và sử dụng các đề mở; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm…
Qua đợt tập huấn, đội ngũ giáo viên lớp 10 có được tâm thế tích cực, chủ động, linh hoạt hơn trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018 nói chung và việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn nói riêng theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.