Ngành Giáo dục đồng hành cùng giáo viên gỡ khó
Sau hơn 3 tháng thực hiện, thầy và trò ở các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, trăn trở. Khó nhất là giáo viên chưa tìm hiểu được mối liên hệ của các phân môn trong trong các môn tích hợp; việc tổ chức kiểm tra đánh giá, nhận xét, ghi kết quả học sinh…
Nhằm đồng hành cùng thầy cô trong thực hiện chương trình GDPT năm 2018, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, học sinh tiếp cận, thực hiện chương trình, SGK lớp 6 một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Thông qua tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp trường, liên trường, cấp Phòng GD&ĐT và cấp tỉnh, các cơ sở giáo dục, giáo viên có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình và SGK lớp 6 một cách thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Trong hai ngày 17/12 và 21/12, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn về thực hiện chương trình và SGK lớp 6 cấp tỉnh tại trường THCS Mỹ Châu, huyện Lộc Hà (giảng dạy bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) và trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Can Lộc (giảng dạy bộ sách Cánh diều).
Trong buổi sinh hoạt, mỗi đơn vị tổ chức thực hiện 2 tiết dạy ở lớp 6 (1 tiết môn Khoa học tự nhiên và 1 tiết môn Lịch sử và Địa lí), các tiết dạy được chia sẻ oline qua phần mềm Zoom đến tất cả cán bộ quản lí các phòng GD&ĐT, các trường THCS và giáo viên giảng dạy lớp 6 trong toàn tỉnh ở các điểm cầu. Sau 2 tiết dạy, tại điểm cầu chính, Sở GD&ĐT đã chủ trì tổ chức buổi Hội thảo, trao đổi, chia sẻ về các tiết dạy; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình và sách giáo khoa lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy học ở cấp THCS.
Thông qua các ý kiến trao đổi, chia sẻ, góp ý các tiết dạy, nhìn chung các tiết dạy đã tổ chức được 4 hoạt động (Khởi động, Tìm hiểu kiến thức mới, Luyện tập, Vận dụng) theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh, chú trọng phát triển phẩm chất, kĩ năng; quan tâm đến phát triển kĩ năng tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng và đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong các tiết dạy.
Cần đa dạng hóa các kênh hỗ trợ học tập cho học sinh lớp 6 trong mùa dịch
Học sinh tham gia giờ học khá chủ động, tích cực, vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan khá nhuần nhuyễn. Nhiều học sinh rất tự tin trong thực hiện nhiệm vụ và trao đổi, nhận xét kết quả học tập của bạn, nhóm bạn; giờ học vui vẻ, nhẹ nhàng…
Tuy nhiên, một vài giờ dạy vẫn còn để lại những băn khoăn, trăn trở về lượng kiến thức trong một bài học khá lớn; một số câu hỏi còn hơi khó, chưa rõ ràng so với nhận thức của học sinh lớp 6; việc vận dụng các kĩ thuật dạy học của giáo viên chưa thật nhuần nhuyễn; một số học sinh chưa thực sự chủ động, tích cực tham gia các hoạt động học tập; chưa chú trọng nhiều đến việc rèn luyện kĩ năng, phát triển năng lực, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Để thực hiện tốt chương trình, SGK lớp 6 nói riêng, cấp THCS nói chung, các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa việc đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức tổ chức, kĩ thuật dạy học trong các hoạt động một cách hợp lí, phù hợp với thực tiễn; chú ý bám sát mục tiêu chương trình, SGK, tiếp cận theo hướng đơn giản hóa kiến thức học sinh; đảm bảo dạy học một cách nhẹ nhàng, linh hoạt, vận dụng khai thác hiệu quả CNTT nhưng chú ý không lạm dụng CNTT.
Tiếp tục triển khai sinh hoạt chuyên môn cấp trường, Phòng; tiếp tục chủ động, tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để thực hiện và hoàn thành chương trình; có phương án để tổ chức các hình thức dạy học khác nếu dịch bệnh xẩy ra không dạy trực tiếp được. Đối với những trường phải nghỉ học trực tiếp khi chuyển sang hình thức khác, cần đảm bảo nhẹ nhàng, không tạo áp lực từ chất lượng; các nhà trường giới thiệu học sinh theo dõi, tham khảo các tiết dạy trên truyền hình Hà Tĩnh HTTV, các đài phát thành và truyền hình TW và địa phương; đa dạng hóa các kênh hỗ trợ học tập cho học sinh góp phần giữ vững chất lượng giáo dục, thực hiện thành công Chương trình, SGK lớp 6.