(GD&TĐ) - Nếu đi một vòng các trung tâm thương mại (TTTM) ở Hà Nội, sẽ thấy một tình cảnh chung là hoạt động bán lẻ đang nhuốm một màu sắc trầm lắng. Thậm chí, không ít TTTM đang rơi vào tình cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”…
Trống trải những mặt bằng
Giữa giờ cao điểm mua sắm, hầu hết các TTTM ở ngay trong nội thành Hà Nội cũng hết sức vắng vẻ. “Đông đúc” một chút như Vincom Bà Triệu cũng phần lớn là khách vào tham quan, xem hàng chứ ít có giao dịch mua bán diễn ra. Càng “dạt” xa trung tâm thành phố, sự đìu hiu càng thấy rõ, kể cả các “tên tuổi” như Pico Plaza Tây Sơn (229 Tây Sơn), Parkson Thái Hà (198b Tây Sơn), Hà Thành Plaza (102 Thái Thịnh),… Không chỉ là sự vắng vẻ của khách hàng mà là cả sự rút lui dần của các thương nhân thuê mặt bằng bán lẻ trong các TTTM.
Thực tế, đây không phải là vấn đề mới của quý I/2013 vừa qua. Cùng với sự ảm đạm của nền kinh tế, năm 2012 đã được ghi nhận là một năm đầy thách thức đối với thị trường mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và các khách thuê đóng cửa nhiều hơn là mở mới. Sự cạnh tranh của các TTTM dường như cũng không còn tác động nhiều tới sự quan tâm của khách hàng như trước, khi mà đồng tiền ngày càng eo hẹp hơn trong túi người dân.
Tầng 2 TTTM Pico Mall: Chỉ có nhân viên đi lại. Ảnh: Bắc Sơn |
Lấy ví dụ TTTM Pico Plaza, hay còn gọi là Pico Mall Tây Sơn, nằm trong tòa nhà Mipec Tower số 229 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội). Khai trương gần 2 năm nay, lại nằm trên một trong những con phố thương mại sầm uất nhất của thành phố, nhưng có lẽ ngoại từ trung tâm chiếu phim của hệ thống Megastar tọa lạc trên tầng 5 là đông đúc, còn lại rất vắng vẻ. Mặt sàn tầng 1 rộng khoảng 6.000 m2 của trung tâm này trống khoảng 2/3; mấy tháng gần đây, trung tâm thương mại này đã vắng lại càng thêm vắng, bởi nhiều gian hàng đóng cửa, trả lại mặt bằng do ế ẩm. Một số hàng café mở trong khuôn viên trung tâm đã “dọn bàn ghế”, “dọn biển hiệu”; thậm chí một hàng café nằm ở tầng 1, đã đầu tư xong cơ sở vật chất, nhưng chưa hoạt động đã dọn dẹp trả lại mặt bằng.
Tình trạng vắng vẻ khách ghé thăm, sự rút lui của các nhà bán lẻ cũng đang là hình ảnh quen thuộc và ngày càng rõ hơn ở TTTM Parkson Thái Hà nằm cách đó không xa (số 198b Tây Sơn). Khai trương từ nửa đầu năm 2008, lại nằm ở vị trí đắc địa nhất trên tuyến phố thương mại Tây Sơn – Thái Hà, một thời gian đầu trung tâm này khá hút khách, dù các mặt hàng hầu hết hướng về phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, trung tâm này cũng rơi vào tình trạng ế ẩm nặng nề. Theo một số nhân viên bán hàng có thâm niên, việc cả ngày không bán được một sản phẩm tại Parkson Thái Hà là chuyện hết sức bình thường. Sở dĩ các gian hàng còn duy trì được có thể vì đơn vị quản lý thu phí trên phần trăm doanh thu thay vì hợp đồng thuê trọn gói theo diện tích mặt sàn. Vậy nhưng, cũng đã có rất nhiều gian hàng chuyển đi trong hơn 1 năm trở lại đây; bởi lẽ các mặt hàng hầu hết là cao cấp và ngoại nhập, không thể “găm” lâu, chưa kể tiền thuê nhân viên hàng tháng cũng đã là một khoản chi phí không nhỏ.
Sẽ còn “rút lui”?
Sự “rút lui” của Trung tâm thương mại Grand Plaza như một lời “cảnh tỉnh” cho những trung tâm thương mại đang khó khăn trong kinh doanh và cả những trung tâm khai trương mới.
Tràng Tiền Plaza, nằm ở một vị trí đắc địa (ngay bên Hồ Gươm, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau gần… 4 năm đóng cửa để nâng cấp (lý do thực tế cũng là sự ế ẩm kéo dài, dù nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố) đã mở cửa trở lại; với lựa chọn mới là phát triển thành một TTTM hạng sang thực sự mang đẳng cấp quốc tế đầu tiên của Hà Nội. Có lẽ ở thời điểm đóng cửa để “tái cơ cấu”, các nhà quản lý của TTTM này đã nhìn ra viễn cảnh kinh tế không ngừng phát triển, đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu về hàng hiệu đẳng cấp quốc tế ngày càng lớn… Có điều, ngay cả những nhà kinh tế hàng đầu thế giới cũng không mường tượng được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khởi phát từ sự sụp đổ của thị trường địa ốc Mỹ giữa năm 2008 kéo dài cho đến tận ngày nay.
Các gian hàng còn duy trì được có thể vì đơn vị quản lý thu phí trên phần trăm doanh thu thay vì hợp đồng thuê trọn gói theo diện tích mặt sàn. Vậy nhưng cũng đã có rất nhiều gian hàng chuyển đi trong hơn 1 năm trở lại đây; bởi lẽ các mặt hàng hầu hết là cao cấp và ngoại nhập, không thể “găm” lâu, chưa kể tiền thuê nhân viên hàng tháng cũng đã là một khoản chi phí không nhỏ. |
Thời buổi kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu đã đành, hàng hiệu trực tiếp vào Việt Nam càng đuối sức trước sự cạnh tranh của hàng xách tay có nguồn gốc (tức người đưa hàng về), giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với hàng cùng loại bán trong siêu thị, do bớt được khá nhiều phần chi phí (thuê diện tích bán hàng, thuế, chi phí con người...). Hơn nữa, hàng hiệu vốn chỉ dành cho người lắm tiền nhiều của– nhóm người đã không nhiều, nay lại càng bị thu hẹp hơn bởi cơn bối rối của nền kinh tế, khiến đại gia cũng phải méo mặt chứ đừng nói tầng lớp trung lưu. Cách đây hơn 3 năm, khi Grand Plaza – một “tấm gương” về thứ hạng cao cấp như Tràng Tiền Plaza đang hướng tới – ra mắt, không ai nghĩ “Thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành” (danh xưng tự nhận) này lại có hồi bĩ cực như hiện nay.
Cũng ở phân khúc cao cấp nhưng ít được nhắc tới hơn là TTTM Keangnam LandMark Tower (đường Phạm Hùng), từ lâu cũng đã rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng do vắng khách. Tình trạng khó bán hàng còn diễn ra với hầu hết các gian hàng, do lượng khách tìm đến mua sắm quá ít; không phải vì quá xa trung tâm mà chủ yếu bởi ở đây đều là hàng hóa cao cấp, chỉ có những đối tượng khách VIP như chính những cư dân đang ngụ trong toà chung cư cao cấp bậc nhất Hà Nội là Keangnam Tower mới kham nổi. Cũng như các TTTM lớn khác, sở dĩ vẫn còn nhiều gian hàng trụ lại đây được chủ yếu là bởi phí thuê mặt bằng được tính theo phần trăm doanh thu chứ không phải hợp đồng cố định theo diện tích mặt sàn sử dụng. Tuy nhiên, trong khi phí thuê gian hàng thấp (do doanh thu thấp), thì các chi phí khác như dịch vụ, phí kho gửi đồ, phí cho các chương trình truyền thông… lại rất lớn, khiến nhiều gian hàng phải chuyển đi vì thua lỗ.
Một năm trước, Grand Plaza sau đợt “tái cơ cấu” lần 1 đã được đánh giá là sẽ “đè bẹp” Keangnam LandMark Tower, do gần về mặt địa lý nhưng lại thuận tiện hơn cho việc đi lại của người dân, trong khi hàng hóa cũng cùng đẳng cấp. Tuy nhiên, đến nay Grand Plaza đã phải tạm ngừng cuộc chơi. Keangnam LandMark Tower thì tồn tại theo kiểu đến đâu hay đến đó. Thêm Tràng Tiền Plaza góp mặt vào phân khúc cao cấp giữa bối cảnh hiện nay, rõ ràng thách thức nhiều hơn cơ hội. Vấn đề đặt ra là trung tâm này sẽ “trụ” được bao lâu để chờ đến lúc nền kinh tế khởi sắc trở lại?
Mà, liệu có “chờ” được hay không thì cũng không dám chắc.
Đóng cửa vì vắng khách Sự kiện Grand Plaza (số 117 Trần Duy Hưng) với danh xưng “Thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành” tạm thời đóng cửa chưa xác định ngày tái ngộ trong thời gian vừa qua như một lời cảnh báo đối với các trung tâm thương mại (TTTM) trong giai đoạn kinh tế khó khăn này. Lý do Grand Plaza tạm thời đóng cửa được đưa ra là để sửa chữa nâng cấp. Nhưng hầu như ai cũng hiểu đó chỉ là cái cớ. Nguyên nhân chính vẫn là sự ế ẩm với tình trạng nhân viên nhiều hơn khách hàng ở trung tâm thương mại quy mô và hiện đại nhất Hà Nội này. Tình cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” ở “Thiên đường mua sắm đệ nhất Hà thành”đã diễn ra ngay từ những ngày đầu khai trương của trung tâm cách đây khoảng hơn 3 năm, nghĩa là giai đoạn đầu của khủng hoảng kinh tế đang kéo dài đến tận thời điểm hiện nay. Nói Grand Plaza chọn sai thời điểm ra mắt, hay không gặp thời cũng không đúng; bởi lẽ gần như chỉ ngay bên đường thôi, TTTM BigC Hà Nội vẫn luôn tấp nập. Có điều, hướng đi của BigC là tập trung vào đối tượng khách hàng bình dân đến trung lưu là chủ yếu, chứ không “chơi chảnh” chỉ hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp như Grand Plaza. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia lo ngại với lần đóng cửa thứ 2 này (lần trước cách đây mới hơn 1 năm), khi quay lại Grand Plaza vẫn không chọn được con đường đi thích hợp. Cố bám lấy phân khúc cao cấp thì khả năng đóng cửa vĩnh viễn là rất dễ xảy ra. |
Bắc Sơn