Theo đó, hưởng ứng phát động của UBND thành phố Hà Nội về phong trào “Chống rác thải nhựa”, kế hoạch 3207/KH-SYT-CĐN ngày 1/8/2019 của Sở Y tế, Công đoàn ngành y tế về phát động phong trào chống rác thải nhựa trong ngành y tế, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị có các giải pháp để thực hiện phù hợp với thực tế của đơn vị.
Cụ thể, từng đơn vị phổ biến, phát động trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với bao bì nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Thường xuyên truyền thông hướng dẫn chống rác thải nhựa qua các kênh truyền thông của đơn vị, tờ rơi…cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.
Tuân thủ việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngay từ nơi phát sinh và tăng cường tái chế, xử lý chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo đúng quy trình, quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện kế hoạch từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của tập thể, cá nhân trong đơn vị. Thực hiện tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cơ quan, đơn vị.
Phong trào "Chống rác thải" nhựa nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, khách sạn và cộng đồng chung tay cùng với Chính phủ và toàn xã hội trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ sử dụng khoảng từ 30 đến 40 kg nhựa/năm và là một trong 4 quốc gia tại châu Á phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất.
Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilông/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm.