Phòng chống rác thải nhựa: Những hành động thiết thực từ nhà trường

GD&TĐ - Hưởng ứng phong trào “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” của Liên Hợp Quốc và Công văn số 161 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều cơ sở giáo dục tại TPHCM đã có những chương trình hành động sáng tạo, thiết thực trong việc nâng cao nhận thức phòng chống tác hại của rác thải nhựa ra môi trường.

Poster tuyên truyền nói Không với ly nhựa của HUFLIT được dán khắp các quán nước xung quanh trường Ảnh: HUFLIT
Poster tuyên truyền nói Không với ly nhựa của HUFLIT được dán khắp các quán nước xung quanh trường Ảnh: HUFLIT

Từ kêu gọi “No plastic”

Câu chuyện học sinh Nguyễn Nguyệt Linh – Trường THCS Marie Curie (Hà Nội) gửi thư cho hiệu trưởng của trường đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, thêm lần khẳng định việc phòng chống tác hại của rác thải nhựa là việc cấp bách nên làm.

Thực tế trong thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục ĐH tại TPHCM đã có nhiều chương trình kêu gọi vận động tập thể sư phạm nhà trường từ cán bộ, giảng viên đến sinh viên nâng cao ý thức phòng chống tác hại của rác thải nhựa.

Tại lễ khai mạc hội trại IU Innovation Camp dành cho SV (tháng 6/2019), Trường ĐH Quốc tế (HCMIU) - ĐHQG TPHCM đã phát động phong trào “No plastic” - nói không với rác thải nhựa. SV tham dự hội trại chia thành nhiều đội, mỗi đội từ 3 - 5 thành viên. Mỗi đội xây dựng kế hoạch, ý tưởng sáng tạo để giải quyết các vấn đề nóng khác nhau của xã hội và trình bày trước Ban Giám khảo, như: Ô nhiễm môi trường, Ứng dụng Công nghệ 4.0 trong cuộc sống, Thực phẩm sạch, Chăm sóc sức khỏe cho người dân, Du lịch bền vững...

TS Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng HCMIU, cho rằng mọi điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu chúng ta không hành động. Đồng thời kêu gọi “Các công dân HCMIU hãy cầm trên tay những bình nước thủy tinh dùng nhiều lần và nói không với bao bì nhựa. Tôi hi vọng và tin tưởng từ hội trại này, các em SV hình thành ý thức sử dụng các vật dụng sử dụng được nhiều lần, thân thiện với môi trường và có thể tái chế…” .

Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) cũng nêu cao tinh thần phòng chống rác thải nhựa nhưng theo một hình thức khác. Ông Nguyễn Vĩnh Khương - Phó Trưởng phòng KHCN và Môi trường - Tạp chí Khoa học, HCMUE cho biết: Tiếp nối kết quả của dự án GD tích hợp tiết kiệm năng lượng cho SV sư phạm mà Bộ GD&ĐT giao trường chủ trì trong năm học 2015 - 2016, nhà trường tiếp tục khai thác các nghiên cứu và các hoạt động tuyên truyền nhằm chuẩn bị cho SV trở thành những tuyên truyền viên sau này trong ngành GD.

Trong năm qua, một số nghiên cứu của HCMUE gây ấn tượng với cộng đồng như: Tái chế rác thải thành ống hút; hạn chế sử dụng ống hút nhựa trong các hoạt động của trường; nghiên cứu và triển khai mô hình phân loại rác từ nguồn. Đặc biệt, mô hình thùng rác thông minh cho học sinh tiểu học là một ý tưởng đang được thử nghiệm chắc chắn sẽ là những động thái tích cực của HCMUE trong công tác này.

Tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), Đoàn thanh niên trường đang phát động phong trào Lyly HUFLIT, kêu gọi mọi người sử dụng ly inox để thay thế ly nhựa bằng việc bán ly inox với giá ưu đãi. Đồng thời tuyên truyền các tiệm bán nước giải khát gần trường upsize, giảm giá cho ly nước nếu sử dụng các ly inox của trường. Những chiếc ly inox được trang trí bắt mắt với dòng chữ

HUFLIT bên ngoài như nhắc nhở mọi người về truyền thống của một học hiệu.

“Cùng HUFLIT nói KHÔNG với ly nhựa” là một trong những hoạt động trọng điểm nằm trong chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh năm 2019 của SV HUFLIT.

Đến đại học Xanh

Một chương trình mang tầm vóc lớn hơn tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - ĐH Quốc gia TPHCM, tháng 5/2019, nhà trường đã khánh thành USSH’s Garden và phát động thực hiện chương trình Đại học Xanh. Theo đó, chương trình Đại học Xanh của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM gồm 3 giai đoạn đi từ nhận thức, hành động đến hình thành văn hóa xanh, với một lộ trình mang tầm chiến lược từ 2018 - 2030.

Giai đoạn 1 (từ 2018 – 2022) – Nhận thức xanh: Nhà trường triển khai các nghiên cứu xây dựng, công bố và các hoạt động nhằm phổ biến và nâng cao ý thức của tập thể sư phạm, sinh viên, học viên để tạo nên sự đồng thuận và thu hút sự tham gia. Đồng thời, thực hiện việc chỉnh trang, xây dựng các công trình, các cảnh quan xanh trong khuôn viên trường…

Giai đoạn 2 (từ 2022 – 2026) – Hành động xanh: Nhà trường thực hiện có hệ thống các hoạt động như từng bước xây dựng các tòa nhà, cảnh quan xanh trong khuôn viên; tiếp tục tuyên truyền quan điểm sống xanh, văn hóa xanh, góp phần lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, các trường thành viên trong ĐH Quốc gia TPHCM để hiện thực hóa mục tiêu Đô thị sáng tạo, thành phố thông minh... Giai đoạn 3 (từ 2026 – 2030) – Văn hóa xanh: Nhà trường hoàn chỉnh và công bố bộ quy tắc ĐH Xanh, văn hóa xanh đã được xác lập.

Ông Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông và Tổ chức sự kiện Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, chia sẻ hiệu quả bước đầu của chương trình là khuôn viên trường đã có nhiều hoa và cây xanh, các buổi họp, hội thảo trong trường không còn sử dụng ly nhựa, chai nhựa…

Theo TS Hồ Viễn Phương – Chánh Văn phòng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), tháng 4/2019, nhà trường đã tiến hành công bố các đề tài của môn học Thiết kế dự án, với chủ đề “Môi trường”. Với hơn 40 đề tài tham gia của 380 SV, trong đó có 3 đề tài được đánh giá cao, như: (1) Thay thế thói quen sử dụng ống hút nhựa bằng ống hút cỏ, ống hút bột gạo hoặc ống hút inox. (2) Xử lý rác thải ni lông và nhựa để làm gạch sinh thái. (3) Tuyên truyền tác hại, giới thiệu, cung cấp thay thế túi ni lông bằng túi vải hoặc túi bột ngô cho các bà nội trợ tại chợ Thị Nghè. Ngoài ra Trung tâm kết nối cộng đồng của UEF cũng đang triển khai dự án mang tên “Nâng cao nhận thức của giảng viên, sinh viên UEF về rác thải không phân hủy”.

Để phục vụ cho SV tại các tầng lầu của UEF đang bố trí các bình nước nóng lạnh và ly để sinh viên uống, việc này sẽ giúp cho sinh viên hạn chế việc mua nước chai và ống hút từ các quán vào nhà trường. Đối với cán bộ, nhân viên của nhà trường, đa phần các thầy cô đều mang theo bình giữ nhiệt, chai đựng nước để mua nước uống từ các quán hoặc lấy nước từ bình nước nóng lạnh để sử dụng.

Những chương trình hành động cụ thể của từng trường cho thấy, việc xây dựng một môi trường GD xanh, thân thiện với cuộc sống là chuyện không phải một sớm một chiều nhưng cũng phải là điều quá xa vời. Vấn đề là chúng ta phải hành động cho một tương lai phát triển lâu dài và bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.