Thẳng thắn nêu lên những vấn đề “nóng”

GD&TĐ - Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành trọn một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, tại Phiên họp thứ 36. Các đại biểu đã thẳng thắn nêu nhiều vấn đề “nóng” và sự tham gia trả lời trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ, cùng 14 bộ trưởng, trưởng ngành đã giải đáp được nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Các dự án giao thông lớn đội vốn, chậm tiến độ

Khẳng định dư luận và cử tri đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm chỉ đạo đối với dự án này. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, do đây là dự án quan trọng quốc gia, nên Chính phủ xác định thực hiện dựa trên ba nguyên tắc: Trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng; tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật; chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) về tiến độ cho cầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) chất vấn về việc một số dự án đầu tư công chậm được giải ngân, gây thất thoát, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự kiến đến cuối 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công vào quý I/2020. Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu.

Đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang) bày tỏ lo lắng về tiến độ việc thu phí tự động không dừng khi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến 31/12/2019 sẽ hoàn thành toàn tuyến với 44 trạm, 620 làn, nhưng đến nay mới triển khai 29 trạm với 161 làn, bằng 26%. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, đến 31/12, sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm phu thí nếu không thu phí tự động không dừng.

Về việc sử dụng vốn vay ODA, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu thực tế 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm tiến độ, đội vốn lớn (5 dự án này đội vốn dự kiến khoảng 80.000 tỷ đồng). Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Trách nhiệm trước hết của chủ đầu tư, sau đó mới là các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án”. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, nguyên nhân các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM chậm tiến độ do: “Đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nên kinh nghiệm, năng lực của chúng ta từ tư vấn, quản lý chưa theo kịp và chưa đáp ứng được”.

Công khai việc nợ đọng văn bản thi hành luật

Chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu: Còn tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn quy định chi tiết các luật có hiệu lực thi hành. Điển hình như Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 quy định về tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, 2 năm rưỡi sau mới ban hành nghị định quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đại biểu, việc chậm trễ này gây nhiều hệ lụy, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho Nhà nước. Nguyên nhân chủ quan của việc chậm trễ này là gì? Giải pháp, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thừa nhận: “Ý kiến phản ánh của đại biểu là chính xác, chậm 2 năm rưỡi ban hành văn bản là đúng”. Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra những nguyên nhân chậm và cho biết, Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin chủ trương. Thông tin thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cách đây mấy ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến và sẽ trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

Trả lời đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) về xây dựng văn bản luật chậm, các dự án luật trình không bảo đảm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Theo quy định, Bộ Tư pháp có 20 ngày làm công tác thẩm định nhưng có nhiều dự án luật chỉ có 3 - 5 ngày để làm. Thực tế này đã được nêu nhiều thời gian qua nhưng chuyển biến còn chậm. Trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về bộ trưởng, trưởng ngành và cơ quan trình luật, phụ trách công tác xây dựng pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản do chưa tuân thủ quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sự quan tâm của một số tư lệnh ngành, lĩnh vực chưa đúng mức; một số vấn đề ra quy định chi tiết chưa đánh giá kỹ, sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành còn hạn chế… Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiêm việc này, đặc biệt là sẽ công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của từng bộ ngành.

Nhiều giải pháp quyết liệt chống tham nhũng

Chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp có tính đột phá mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để chống tham nhũng vặt là gì? Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh việc phòng, chống đại án, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng thì chủ trương của Đảng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh vấn đề phòng chống tham nhũng vặt. Khẳng định tham nhũng vặt là tệ nạn và bức xúc, nhức nhối, quan hệ đạo đức công vụ của công chức, viên chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Tuy tham nhũng vặt nhưng tác hại của nó không vặt, ví như con đê cao to hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào vì tổ mối rất nhỏ”. Vì vậy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội và chủ trương của Trung ương, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng; hoàn thiện quy chế, quy trình trong trách nhiệm thực thi công vụ, đặc biệt là người đứng đầu…

Nhiều vấn đề khác cũng được nêu ra như: Việc sửa đổi chính sách xã hội còn chậm, chính sách nhà ở cho người có công chưa dứt điểm; tình hình tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp; việc đối phó với vấn đề rác thải nhựa; tình trạng đóng tàu cho ngư dân không bảo đảm chất lượng, gây tốn kém, lãng phí; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng đã có nhiều bất cập… Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong năm 2019 sẽ có quy chuẩn mới về nhà chung cư, phòng cháy chữa cháy.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn cho thấy, bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều điểm sáng, nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ