Hà Nội xây dựng kịch bản đón học sinh tiểu học nội đô tựu trường an toàn

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ tiếp tục có kế hoạch toàn diện để tổ chức cho học sinh các khối còn lại đi học. Đồng thời tạo điều kiện để học sinh học bán trú nếu đủ điều kiện an toàn....

Diễn tập các tình huống khi học sinh tiểu học trở lại trường.
Diễn tập các tình huống khi học sinh tiểu học trở lại trường.

5 tình huống đón học sinh tiểu học

Chiều 12/2, trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) tổ chức diễn tập xử lý các tình huống về đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đón học sinh bậc tiểu học quay lại trường.

Nội dung diễn tập được thực hiện với 5 tình huống.

Tình huống 1, hướng dẫn học sinh vào trường đảm bảo phòng chống dịch. Cụ thể, khi đến trường, học sinh nhanh chóng vào bên trong còn  phụ huynh di chuyển ngay để đảm bảo việc tiếp đón thuận lợi.

Tình huống xảy ra là học sinh tập trung đông cùng một thời điểm. Tổ bảo vệ, giáo viên trực nhắc nhở bằng loa, yêu cầu học sinh đảm bảo việc giãn cách theo quy định, nhanh chóng vào lớp học. 

Tình huống 2, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập tại lớp học đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.

Nếu trong lớp, học sinh được kiểm tra thân nhiệt, phát hiện em Nguyễn Văn A có nhiệt độ từ 37,5 độ C (đo lại 3 lần đều có nhiệt độ từ 37,5 độ C). Giáo viên chủ nhiệm báo ngay cho nhân viên y tế, nhắc những học sinh khác ngồi nguyên tại chỗ.

Cô Ngô Phi Khanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự thông tin về kế hoạch đón học sinh đến trường.
Cô Ngô Phi Khanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự thông tin về kế hoạch đón học sinh đến trường.

Sau đó, nhân viên y tế trực tại Phòng Y tế nhà trường vào lớp tiếp cận, hướng dẫn và đưa học sinh vào phòng cách ly tạm thời. Cho học sinh nghỉ ngơi, hỏi han tình trạng sức khỏe, trấn an tinh thần và đo thân nhiệt bằng nhiệt kế thủy ngân và thông báo tới gia đình kết hợp điều tra dịch tễ.

Nếu sau khi nghỉ ngơi, thân nhiệt của học sinh trở lại trạng thái bình thường (36,5-37,1 độ C) và điều tra không có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid - 19 thì hướng dẫn học sinh lên lớp như bình thường.

Trường hợp sau khi nghỉ ngơi thân nhiệt học sinh vẫn cao hơn bình thường (từ 37,5 độ C trở lên) và kết quả điều tra không có yếu tố dịch tễ, nhân viên tiến hành thăm khám, thông báo cho gia đình đón học sinh về nhà.

Trường hợp sau khi nghỉ ngơi thân nhiệt học sinh vẫn cao hơn bình thường (> 37,5 độ C) và kết quả điều tra có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19, nhân viên y tế liên hệ với đội phản ứng nhanh của Trung tâm y tế phường đến xử lý theo qui định của công tác phòng chống dịch, đồng thời tiến hành  khử khuẩn những nơi học sinh đã tiếp xúc. 

Tình huống 3, xử lý các tình huống khi phát hiện F0 tại trường. Trong quá trình học tập trên lớp, phát hiện học sinh Nguyễn Văn B có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, mất vị giác, khứu giác nghi nhiễm Covid-19.

Giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ và báo cáo Ban giám hiệu nhà trường. Ban Giám hiệu chỉ đạo cán bộ Y tế nhà trường báo cáo Y tế Phường sở tại để hỗ trợ về nghiệp vụ.

Đồng thời yêu cầu giáo viên trực đeo kính trống giọt bắn và cung cấp kính chắn giọt bắn cho học sinh rồi đưa học sinh về phòng cách ly tạm thời đã được bố trí sẵn để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xác định đối tượng F (hoặc điều tra dịch tễ nếu đã xác định thông tin học sinh là F0). Thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp và báo cáo về Phòng GD&ĐT theo quy định...

Tình huống 4, xử lý khi có học sinh nghỉ học vì nhiễm Covid 19 tại lớp. Giáo viên chủ nhiệm nắm bắt thông tin cụ thể qua điện thoại, động viên học sinh và gia đình học sinh là F0, đồng thời báo cáo Ban giám hiệu nhà trường.

Tại lớp, giáo viên chủ nhiệm tổ chức tiến hành xác định những học sinh trong lớp học có tiếp xúc gần để đánh giá nguy cơ và đề xuất Ban giám hiệu thực hiện các giải pháp theo hướng dẫn mới của Liên ngành Y tế và Giáo dục - Đào tạo Thành phố.

Tình huống 5 là học sinh ra về khi kết thúc buổi học. Thực hiện theo đúng giờ tan của khối để tránh ùn tắc, khi học sinh ra khỏi lớp, ra về theo cầu thang và lối ra cổng theo quy định, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết. 

Diễn tập tình huống có học sinh nghi nhiễm Covid-19.
Diễn tập tình huống có học sinh nghi nhiễm Covid-19.

Trong trường hợp học sinh, phụ huynh tập trung đông cùng một thời điểm, tổ bảo vệ, giáo viên trực nhắc nhở bằng loa, yêu cầu đảm bảo việc giãn cách theo quy định, phụ huynh di chuyển ngay khỏi cổng trường.

Ngoài ra, nhà trường phối hợp với đội tự quản của phường để cùng xử lí. Giáo viên chủ nhiệm quản lí và giám sát cho đến khi học sinh đã ra về hết. Vệ sinh, khử khuẩn phòng học sạch sẽ sau mỗi buổi học, bộ phận lao công thực hiện nhiệm vụ vệ sinh theo quy định. Thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn mới của Liên ngành Y tế và Giáo dục thành phố.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Ngô Phi Khanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết, buổi diễn tập với các tình huống được cán bộ y tế, giáo viên thực hiện thuần thục. 

"Cùng với chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đảm bảo phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến... , khi học sinh đi học trở lại, nhà trường thực hiện nghiêm túc từ khâu đảm bảo giãn cách, điều chỉnh giao thông, đo thân nhiệt, sát khuẩn, phân luồng lối đi...  đều được đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19...", cô Khanh nhấn mạnh.

Đồng hành cùng học sinh

Chia sẻ với Báo GD&TĐ sáng 13/2, ông Lê Đức Thuận  - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, Phòng vừa tổ chức buổi toạ đàm “Đồng hành cùng học sinh trở lại trường sau mùa dịch” bằng hình thức trực tuyến.

Từng bước đưa học sinh đến trường học tập an toàn.
Từng bước đưa học sinh đến trường học tập an toàn. 

Theo ông Thuận, buổi tọa đàm diễn ra với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, giáo viên...

Trong suốt 2 năm qua, việc học sinh không được đến trường, thầy cô không thể lên lớp khiến cho các kế hoạch của năm học phải liên tục điều chỉnh. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và giảng dạy của các thầy cô giáo.

Trong bức tranh khủng hoảng đó, ngành Giáo dục quận Ba Đình đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới. Từ việc dạy học trực tiếp, các thầy cô giáo đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để ứng dụng công nghệ trong việc dạy học trực tuyến. Các bài giảng ngày càng hay hơn, thu hút hơn đối với học sinh. Giúp các em duy trì việc học tập theo đúng lộ trình, chương trình năm học.

Hiện tại, tình hình đại dịch đã phần nào được kiểm soát. Toàn xã hội đang dần quay trở lại các hoạt động thích nghi với tình hình “bình thường mới”. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục trên cả nước đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, kế hoạch hoạt động để học sinh trở lại trường học.

Thông tin với báo chí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, hiện Hà Nội mới chỉ cho học sinh tiểu học, lớp 6 ở vùng 1, 2 thuộc 18 huyện ngoại thành đến trường.

Qua khảo sát cho thấy, học sinh cấp học này ở 12 quận thường cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau còn tại 18 huyện, thị xã thì chủ yếu học sinh ở địa bàn nào sẽ học ở trường thuộc địa bàn đó. Như vậy, việc tổ chức cho học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành đi học trước sẽ đảm bảo an toàn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, sau khi cho học sinh tiểu học, lớp 6 tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp, Sở GD&ĐT sẽ có đánh giá sơ bộ kết quả; nếu đảm bảo an toàn thì Sở sẽ đề xuất Thành phố cho đối tượng này ở các quận nội thành được đến trường từ ngày 21/2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.