Trong sáng 8/2, 100% các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX đủ điều kiện an toàn và thuộc vùng 1, 2 trong đánh giá phân loại về cấp độ dịch Covid-19 của Hà Nội đã thực hiện công tác đón học sinh theo các nội dung, kế hoạch đã được thống nhất.
Qua ghi nhận, công tác đón học sinh được các đơn vị thực hiện đảm bảo an toàn trong không khí phấn khởi, vui tươi. Dù sáng nay, trời mưa và lạnh nhưng nhiều học sinh đi học từ rất sớm. 6 giờ, khi trời nhiều mây mù và chưa sáng rõ, nhiều em đã có mặt tại trường, đi theo phân luồng và lên lớp học.
Kiểm tra điều kiện tổ chức dạy và học tại các trường THPT Phan Đình Phùng, THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình) và THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội do Giám đốc Trần Thế Cương dẫn đầu đánh giá cao công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của các nhà trường.
Đồng thời nhắn nhủ đến các em học sinh tranh thủ thời gian vàng để ôn tập, củng cố kiến thức. Trong những ngày đầu đến trường, các nhà trường cần cho học sinh làm quen nền nếp học tập và các quy định phòng, chống dịch.
Trước đó, vào ngày 7/2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, học sinh khối 9 và khối 12 trên địa bàn TP đã đến trường học trực tiếp theo kế hoạch. Từ 8/2, có thêm khối 7, 8, 10, 11 đến trường. Từ ngày 10/2, Hà Nội tiếp tục tổ chức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, trên 99% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh (cấp THCS, THPT) đã tiêm vaccine (mũi 1 và mũi 2). Trước Tết, hầu hết các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX tại 30 quận, huyện đã hoàn tất diễn tập công tác đón học sinh trở lại.
Để đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường triển khai tốt kế hoạch chuyên môn, đặc biệt chủ động trong công tác phòng chống dịch, bổ sung trang thiết bị y tế; huy động giáo viên, cha mẹ học sinh hỗ trợ vệ sinh trường lớp.
Với các trường học được địa phương trưng dụng làm nơi cách ly, thu dung, điều trị Covid- 19, đề nghị báo cáo địa phương khẩn trương trả lại mặt bằng và tiến hành vệ sinh khử khuẩn theo quy định của cơ quan y tế.
Điểm mới trong xử lý F0 đó là khoanh vùng nhỏ nhất, hẹp nhất để vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo công tác chuyên môn; không để xảy ra tình trạng vì một học sinh mà cả lớp, cả trường phải dừng học.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các trường nắm rõ quy trình xử lý tình huống khi có F0 trong trường học theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Nếu phát hiện học sinh là F0, giáo viên cần bình tĩnh, không làm học sinh hoảng sợ.
Những học sinh tiếp xúc gần F0 được coi là F1, nhà trường sẽ báo cáo cơ quan y tế cho đi xét nghiệm và chuyển học trực tuyến; những trường hợp còn lại trong lớp theo dõi sức khỏe, nếu không có bất thường thì hôm sau vẫn tiếp tục được đến trường.
Bên cạnh đó, các trường thống nhất kịch bản, phương án đón học sinh, nhất là lúc đầu giờ và có thông báo rõ ràng cho phụ huynh, tránh ùn tắc, tập trung đông người tại cổng trường, khuyến khích phụ huynh đo thân nhiệt cho con ở nhà; triển khai ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh trong việc tự nguyện cho học sinh đi học, đảm bảo một cung đường hai điểm đến; kiểm soát chặt chẽ người lạ vào trường để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Giai đoạn đầu đến trường, cần cho học sinh làm quen nề nếp học tập và phòng dịch; thầy cô giáo đóng vai trò là người tuyên truyền, hướng dẫn học sinh; khi có tình huống bất thường, cần báo cáo ngay cơ quan y tế và ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương.
Đối với các trường nội thành, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 (nơi có cấp độ dịch 1, 2) được đến trường học trực tiếp từ ngày 8/2. Học sinh khối lớp 1-6 tiếp tục học trực tuyến. Cấp học mầm non tiếp tục ở nhà.
Như vậy tại Hà Nội, ngoài cấp học mầm non, chỉ còn học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại các quận nội thành chưa được đến trường học trực tiếp.