Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức sơ kết học kỳ năm học 2022-2023 cấp THPT. Một trong những nội dung đáng chú ý là đánh giá học kỳ đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10 và yêu cầu xây dựng phương án đáp ứng nhu cầu chuyển đổi môn học lựa chọn cho học sinh lớp 10 lên lớp 11.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 10 trên cả nước học chương trình, sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm mới đáng chú ý là bên cạnh các môn học bắt buộc, học sinh học một số môn lựa chọn.
Theo thống kê của các nhà trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ học sinh lớp 10 học các môn lựa chọn khá tương đồng với tỷ lệ tổ hợp môn lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Đơn cử, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, có 66,47% học sinh chọn thi tổ hợp khoa học xã hội, thì hiện nay, tỷ lệ học sinh lớp 10 lựa chọn môn Địa lý là 56,3%, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là 55,4%.
Môn Vật lý hiện có 68,2% số học sinh lớp 10 lựa chọn so với 66,6% số học sinh lớp 12 đăng ký lựa chọn xét tuyển đại học khối A1 và khối A00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Vật lý cũng là môn học có tỷ lệ học sinh lớp 10 chọn học cao nhất ở các trường THPT hiện nay.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ 2 gồm: Hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 11 và lớp 12. Rà soát, bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường.
Xem xét đánh giá hiệu quả của việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm đúng, đủ các nội dung hoạt động của Chương trình, linh hoạt trong thực hiện với nhiều hình thức. Thực hiện Chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh theo đúng các nội dung, các bài lý thuyết dạy theo phân phối chương trình.
Phát huy vai trò của tổ chuyên môn theo hướng tập trung xây dựng những tiết dạy minh họa ứng dụng hiệu quả nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá phải linh hoạt, thực tế, tránh dập khuôn, hình thức, áp dụng máy móc.
Thực hiện đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học, không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
Làm tốt công tác định hướng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, trong đó đặc biệt quan tâm đến định hướng lựa chọn các môn thi tốt nghiệp; Xây dựng và triển khai sớm Kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 theo ma trận đề, bảo đảm vừa mang tính động viên vừa tạo động lực thúc đẩy học sinh.