Hà Nội triển khai hiệu quả Chương trình mới đối với lớp 10

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 16/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Cùng chia sẻ khó khăn, vướng mắc

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hồng Vũ - Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT, ngành GD-ĐT Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Công tác tuyển sinh năm học 2022-2023 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Số lượng học sinh đăng kí các môn lựa chọn tương đối phù hợp với số lượng giáo viên bộ môn ở các nhà trường giúp cho các nhà trường giữ được sự ổn định về đội ngũ giáo viên, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh.

Việc lựa chọn sách giáo khoa cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo minh bạch, khách quan. Nhờ hệ thống tài liệu phong phú, đa dạng về nội dung, hình ảnh và đồ họa, đi kèm với các công cụ giáo dục điện tử, giáo viên đã có thêm giải pháp giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách sinh động và hiệu quả.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuẩn bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng cũng như làm quen với các bộ sách giáo khoa mới đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện từ rất sớm. Để vượt qua những lúng túng ban đầu, các tập thể, cá nhân đã cùng chia sẻ những bài học thực tế, những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt.

Từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng chuyên môn, giúp nhau cùng khắc phục những khó khăn về đội ngũ.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Rất nhiều trường đã có những sẻ chia đáng quý như: Trường THPT Việt Đức cử đoàn giáo viên tham gia hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tại Trường THPT Minh Phú trong thời gian 1 tháng; Trường THPT Trần Phú cùng Trường THPT Yên Lãng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; Trường THPT Cầu Giấy, Trường THPT Bất Bạt chia sẻ kinh nghiệm giờ dạy qua các bài giảng trực tuyến...

Với việc tổ chức hơn 10 chuyên đề, 10 tiết dạy minh họa gắn với sinh hoạt chuyên môn ở các môn Ngữ Văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Giáo dục thể chất theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trên toàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cùng đồng hành với các nhà trường, với từng giáo viên để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc.

Lần đầu tiên giáo viên toàn thành phố được cùng dự giờ, cùng góp ý trao đổi kinh nghiệm qua tiết dạy của đồng nghiệp, các buổi sinh hoạt chuyên môn tổ chức trên phạm vi toàn thành phố đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức của giáo viên, thúc đẩy quá trình đổi mới trong mỗi giáo viên, tạo được bầu không khí học thuật trong mỗi nhà trường.

Những buổi sinh hoạt chuyên môn trên phạm vi toàn thành phố thể hiện sự đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn, vướng mắc của Sở GD&ĐT với các nhà trường, các thầy cô giáo, đồng thời cũng đem lại niềm tin cho những cố gắng, nỗ lực của Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên các nhà trường.

Đại diện các nhà trường trình bày tham luận tại hội nghị.

Đại diện các nhà trường trình bày tham luận tại hội nghị.

Những chuyển biến tích cực

Sự chuyển biến tích cực của đội ngũ giáo viên thể hiện rõ nét nhất qua Hội thi giáo viên dạy giỏi. Từ số liệu bài dạy, Hội thi đã cho thấy có sự chuyển mình mạnh mẽ của toàn ngành trong việc tiếp nhận và sẵn sàng cho đổi mới toàn diện Giáo dục theo Nghị quyết 29 của Ban chấp hành TW Đảng. Trong số 102 tiết dạy tại Hội thi, đã có 50 tiết dạy theo Chương trình GDPT 2018.

Ghi nhận đầu tiên từ các tiết dạy tại Hội thi là sự hướng đến người học. Ngoài việc chuẩn bị rất chu đáo về chuyên môn, trang thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, các đồ dùng trực quan, các mẫu vật và các đồ dụng dạy học khác, các tiết dạy đã không còn là sự phô diễn, hình thức, mà thực sự là những đổi mới, sáng tạo hướng đến yêu cầu phát huy cao tính tích cực chủ động của học sinh.

Dù dạy lớp 10 hay lớp 11, 12 các thầy cô giáo tham gia hội thi đều đã thể hiện sự đổi mới theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Sáng tạo trong khi thiết kế bài giảng, chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ, kì công thiết kế đồ dùng học tập, sưu tầm được tư liệu gốc, đoạn phim có giá trị, tạo cho học sinh cảm xúc thực sự trong học tập đã trở thành những điểm sáng nổi bật trong các tiết dạy tại hội thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu kết luận hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu kết luận hội nghị.

Từ những nỗ lực của toàn ngành, năm đầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT đã có những tín hiệu tích cực: Học sinh được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường chất lượng học tập của học sinh đã có sự thay đổi rõ rệt. Kết quả sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023 cho thấy tỉ lệ học sinh không đạt ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã giảm chỉ còn 0,1%, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Ý kiến tham luận của một số nhà trường đã chia sẻ các giải pháp trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả. Đơn cử như giải pháp về việc bố trí giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập môn học lựa chọn của học sinh; về công tác bồi dưỡng giáo viên; về việc chuyển đổi số nâng cao chất lượng giảng dạy; về việc tăng cường sự kết nối, chia sẻ để cùng khắc phục khó khăn về đội ngũ giáo viên...

Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các nhà trường trong năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, từ những chia sẻ về giải pháp của các nhà trường, ngành Giáo dục có thêm nhiều kinh nghiệm, cũng như xác định rõ hơn những khó khăn, bất cập còn tồn tại để cùng bàn giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Năm học 2023-2024 là năm thứ hai cấp THPT thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường rà soát toàn bộ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh lớp 10. Lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp; hướng dẫn và hỗ trợ tích cực cho học sinh, cha mẹ học sinh chọn môn học phù hợp với tinh thần đáp ứng cao nhất nguyện vọng học tập của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.