Hà Nội thu hồi siêu dự án của Tập đoàn Việt Á

GD&TĐ - Sau 15 năm không triển khai xây dựng, dự án Khu đô thị Việt Á (tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) đã bị chấm dứt, dừng thực hiện.

Hà Nội thu hồi siêu dự án của Tập đoàn Việt Á

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3202/QĐ-UBND ngày 13/6/2023 về việc chấm dứt, dừng thực hiện Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 29/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc cho phép đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh.

Dự án Khu đô thị Việt Á có diện tích khoảng 23 ha, do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư. Năm 2018, Hà Nội có quyết định thu hồi vì lý do sau 10 năm không triển khai, đầu tư.

Theo Quyết định chấm dứt, nguyên nhân thu hồi dự án là do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á đã có văn bản đề nghị được trả lại và thôi không thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi lại diện tích đất đã giao tại Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 10-7-2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng ngày, UBND TP Hà Nội cũng ký Quyết định số 3203/QĐ-UBND về việc chấm dứt thực hiện 2 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) sau khoảng thời gian dài chậm triển khai.

Cụ thể, hai dự án bị thu hồi là Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh và Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1, với tổng diện tích 189,7 ha nằm trên địa bàn các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm và Mê Linh. Trong đó, dự án Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh có diện tích 136,6 ha và dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 có diện tích 53,1 ha.

Sau 15 năm không triển khai xây dựng, dự án Khu đô thị Việt Á đã bị chấm dứt, dừng thực hiện. (Ảnh minh họa)

Sau 15 năm không triển khai xây dựng, dự án Khu đô thị Việt Á đã bị chấm dứt, dừng thực hiện. (Ảnh minh họa)

Theo UBND TP Hà Nội, lý do chấm dứt thực hiện dự án là trước đây hai dự án mới có văn bản phê duyệt địa điểm lập quy hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (trong đó có nêu tên chủ đầu tư), nhưng chưa thực hiện thủ tục thẩm định, cho phép đầu tư theo quy định tại thời điểm phê duyệt địa điểm nêu trên.

Bên cạnh đó, hai dự án hiện đều không thuộc diện chuyển tiếp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021 về quy định, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đầu tư.

UBND thành phố giao UBND huyện Mê Linh nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, khai thác khu đất (sau khi chấm dứt, dừng thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND TP Hà Nội), nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.

Được biết, 2 dự án Mê Linh – Đại Thịnh và Thanh Lâm – Đại Thịnh đã xuất hiện trong danh mục 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng được TP.Hà Nội lên kế hoạch tiếp tục theo dõi, giám sát từ gần 1 năm nay.

Như vậy, sau 15 năm không triển khai xây dựng, 3 dự án gồm: Dự án Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh; dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và dự án Khu đô thị Việt Á đã bị chấm dứt, dừng thực hiện.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã họp xem xét về việc chấm dứt, dừng thực hiện đối với một số dự án đầu tư chậm triển khai, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất chấm dứt 6 dự án bao gồm: Dự án Khu đô thị mới Việt Á (Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á); Dự án Khu đô thị mới BMC (Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại); Dự án Khu đô thị mới Prime Group (Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh của Công ty cổ phần Prime Group); Dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên (Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên).

Tại Hà Nội, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi rất hạn chế. Trong khi đó, diện tích đất hoang hoá từ các dự án treo lên đến hàng chục nghìn ha. Lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách, kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là những hệ luỵ rõ nét nhất của các dự án treo lâu năm.

Theo quy định, đối với dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư, sau thời hạn này vẫn "ôm" đất trong nhiều năm tiếp theo mà không triển khai bất cứ hạng mục nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ