Hà Nội 'thúc' tiến độ các dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 8 tháng năm 2022, TP Hà Nội giải ngân được 15.322 tỉ đồng, đạt 30%, dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có vướng mắc từ các dự án trọng điểm.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang được gấp rút xây dựng.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang được gấp rút xây dựng.

Hà Nội đang “thúc” tiến độ thi công các dự án trọng điểm này.

Hết năm 2022 phải đạt 90% giải ngân

Báo cáo về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ sự lo lắng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ước tính 8 tháng qua, toàn thành phố Hà Nội giải ngân được 15.322 tỉ đồng, đạt 30%, dưới mức trung bình của cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu lãnh đạo TP Hà Nội làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân để có giải pháp đảm bảo đến ngày 31/12/2022, tiến độ giải ngân đầu tư công cho các dự án đạt 90%, đến tháng 1/2023 đạt 100%.

Tuy nhiên, việc đảm bảo tiến độ giải ngân phải gắn với công trình hoàn thành, bảo đảm chất lượng công trình cũng như đảm bảo pháp lý, tránh giải ngân được nhưng không có công trình, không có khối lượng thì sau này sẽ vướng sai sót nguy hiểm.

“Giải ngân nhưng phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. Từ Thành ủy, UBND đến các sở ngành, quận huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để cuối năm hoàn thành một số công trình, tạo động lực mới cho địa phương. Muốn vậy, Hà Nội hạn chế dàn trải đầu tư, tập trung nguồn lực cho một số công trình trọng điểm không còn vướng mắc về mặt bằng, thủ tục đầu tư để hoàn thành công trình...”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, thành phố cần rà soát những dự án đã ghi vốn cho năm 2022 nhưng chưa đấu thầu. Dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt thì thu hồi vốn lại để phân bổ cho nhóm dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến ngày 31/12, hoặc cho dự án chưa hoàn thành từ nay đến 31/12.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát dự án còn vướng mắc về mặt bằng. Đối với những dự án đã có mặt bằng, có nhà thầu nhưng vướng mắc về các quy định liên quan như giá vật liệu, vật tư, định mức dự phòng… các bộ, ngành chức năng cũng cần rà soát để sớm tháo gỡ cho nhà thầu, bảo đảm tiến độ công trình và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Gỡ vướng mắc 5 dự án trọng điểm

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đoàn kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc dự án trọng điểm của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đoàn kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc dự án trọng điểm của thành phố.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi khảo sát, kiểm tra 5 dự án, công trình quan trọng trên địa bàn thành phố. Đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố tại khu vực từ cầu Am đến cầu La Khê (quận Hà Đông); Khảo sát tại vị trí khoan kích ngầm (giếng 9.2) thuộc gói thầu số 2, Dự án Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; Khảo sát, kiểm tra Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công trình Bảo tàng Hà Nội và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Đây đều là những dự án, công trình có tính chất rất quan trọng, được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Trong đó, 3 dự án có ý nghĩa lớn đối với năng lực tiêu thoát nước, phòng, chống úng ngập; xử lý nước thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường; phục hồi, cải thiện chất lượng nước, làm sống lại dòng sông Tô Lịch.

Bảo tàng Hà Nội là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đưa vào hoạt động từ năm 2010, nhưng đến nay còn nhiều khó khăn, chưa hoàn thành được phần trưng bày.

Đối với khu di sản Hoàng thành Thăng Long, bảo tồn, tôn tạo và thực hiện cam kết với UNESCO, trọng tâm là phục dựng Điện Kính Thiên là nhiệm vụ hàng đầu được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ này.

Tại thực địa mỗi dự án, công trình, lãnh đạo thành phố đã nghe các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo về tình hình tiến độ, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, cần được tháo gỡ.

Trong đó, về vướng mắc giải phóng mặt bằng khu vực kênh La Khê, Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố, ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động, kết hợp với các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo đồng thuận trong nhân dân.

Tại Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Bí thư Thành ủy đề nghị các bên liên quan phải hợp tác chặt chẽ để cùng đẩy nhanh tiến độ về đích, phấn đấu trở thành công trình kiểu mẫu trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Liên quan đến công trình Bảo tàng Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị cần nghiên cứu đề xuất thành phố thực hiện cơ chế đặt hàng. Qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành dự án trưng bày xong muộn nhất là tháng 6/2024 để kịp đưa vào vận hành từ tháng 10/2024.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, nếu nhà thầu, đơn vị tư vấn, thiết kế không đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, thay thế, quyết không để vì lý do này mà làm dự án kéo dài lâu hơn.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, chủ đầu tư, nhà thầu, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động rà soát, đánh giá lại tiến độ cụ thể của từng gói thầu, hạng mục, phần việc của các dự án, công trình.

Đặc biệt, làm rõ từng khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương hướng, cách thức giải quyết gắn với trách nhiệm cá nhân phụ trách. Mục tiêu là phải sớm đưa các công trình dự án về đích, vận hành hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.