Hà Nội tận dụng "thời gian vàng", nghiêm ngặt phòng dịch cho học sinh lớp 12

GD&TĐ - Dù đã được phép mở cửa đón học sinh khối 12 trở lại học trực tiếp nhưng tại một số trường THPT, tỷ lệ các em đến lớp khiêm tốn.

Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tại Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đạt trên 70%. 
Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tại Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đạt trên 70%. 

Duy trì an toàn phòng dịch trong trường học

Trong thời gian từ ngày 6/12 đến nay, UBND TP Hà Nội đã cho phép học sinh khối 12 của các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn 30 quận/huyện/thị xã được đến trường học trực tiếp sau hơn 7 tháng phải học trực tuyến vì dịch. Công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn phòng dịch luôn là ưu tiên hàng đầu của các trường. 

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, toàn  trường có 705 học sinh khối 12. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, trường chỉ bố trí cho một nửa số em đi học trên lớp và phải luân phiên học trực tuyến. Mỗi lớp lại được tách đôi nên sĩ số chỉ có khoảng 30 em.

Trong sáng 9/12, Trường THPT Việt Đức ghi nhận 46 em không đến lớp vì những lý do khách quan khác nhau.
Trong sáng 9/12, Trường THPT Việt Đức ghi nhận 46 em không đến lớp vì những lý do khách quan khác nhau.  

Cũng theo cô Quỳnh, khi đến trường học sinh rất háo hức nhưng cũng có phần lo lắng vì dịch bệnh. Với phương thức học 50% trực tuyến, 50% trực tiếp lại tách lớp như hiện nay, đa số phụ huynh yên tâm vì giảm nguy cơ dịch bệnh trong trường học nhưng áp lực dồn lên vai giáo viên. Có người vừa dạy tiết 1 trực tiếp ở lớp, tiết 2 có thể lên phòng máy để dạy trực tuyến khối 10, 11. 

"Trong ngày 9/12, trong số hơn 300 em đi học ngày lẻ thì có 46 em không đến lớp. Phần lớn trong số này là các em nằm trong diện cách ly, phong tỏa vì liên quan đến dịch. Dù như thế nào, chúng tôi cũng luôn luôn chủ động các phương án dạy học, nhất là đảm bảo yêu cầu về phòng dịch. Làm sao để cả thầy và trò cùng yên tâm khi tới trường dạy học trực tiếp", vị nữ hiệu trưởng khẳng định. 

Dù học sinh đến lớp nhiều hay ít, các nhà trường luôn duy trì các giải pháp phòng dịch và dạy học đảm bảo tiến độ chương trình.
Dù học sinh đến lớp nhiều hay ít, các nhà trường luôn duy trì các giải pháp phòng dịch và dạy học đảm bảo tiến độ chương trình.

Tương tự, cô Trần Thị Hương Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, nhà trường cũng tiến hành chia ca cho học sinh khối 12 học theo các ngày chẵn lẻ trong tuần. Toàn trường có hơn 400 em khối 12 sẽ học luân phiên, 50% học trực tiếp vào các ngày chẵn, một nửa còn lại sẽ học vào ngày lẻ.

Mỗi ngày có khoảng 200 học sinh được chia làm 5 lớp học trực tiếp. Chỉ có một vài em thuộc diện cách ly, phong tỏa không thể tới lớp thì được học trực tuyến. Đồng thời, giáo viên của trường luôn sẵn sàng kết hợp vừa dạy trực tiếp vừa dạy online cho học sinh. Tuy nhận thêm phần vất vả nhưng thầy cô đều cố gắng vì học trò.

Công tác duy trì an toàn phòng dịch trong trường học cũng được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng. Nhất là khâu tuyên truyền để động viên, ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh khi các em trở lại trường. Đây được ví như "thời gian vàng" để học sinh củng cố kiến thức cũ, tiếp thu kiến thức mới để sẵn sàng cho các kỳ thi quan trọng sắp tới. 

Phụ huynh còn e ngại 

Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhà trường luôn tuân thủ và tiến hành nghiêm ngặt các khâu về an toàn phòng dịch trong trường học. Khi thành phố cho phép mở cửa đón học sinh khối 12 đi học lại, nhà trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh để nắm được thông tin cùng các biện pháp phòng dịch tại trường.

Cô trò Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa trong giờ học trực tiếp trên lớp.
Cô trò Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa trong giờ học trực tiếp trên lớp. 

Trong ngày 9/12, có 200/279 học sinh của nhóm học ngày lẻ đến trường, chiếm hơn 70%. Những ngày trước đó, tỷ lệ các em đi học trực tiếp đạt trên dưới 80%. Một số em không đến lớp vì những lý do khác nhau.

“Thực tế, một bộ phận phụ huynh vẫn có tâm lý lo ngại trước tình hình dịch tại Hà Nội còn phức tạp nên chưa cho con đến lớp. Chúng tôi luôn quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm các lớp cần tiếp tục tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh về các giải pháp của trường trong công tác phòng chống dịch.

Các em đang học cuối cấp nên thời gian này cần tận dụng tối đa các giờ lên lớp để học trực tiếp với thầy cô. Hiệu quả của học trực tuyến không thể bằng được học trực tiếp. Nhà trường luôn sẵn sàng các phương án để đảm bảo an toàn cho học sinh”, thầy Nhâm chia sẻ.

Cũng trong ngày 9/12, tại Trường THPT Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ ghi nhận một học sinh đến trường học trực tiếp. Đây là con số khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Những ngày trước đó, tỷ lệ học sinh đi học tại trường cũng không nhiều.  

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do học sinh của trường thuộc khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao; cộng với tâm lý còn e ngại trước tình hình dịch tại Hà Nội của một số phụ huynh. Lãnh đạo nhà trường khẳng định, dù học sinh đến trường nhiều hay ít thì trường vẫn chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn cho học sinh. 

Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở vẫn đánh giá rất cao các trường dù có ít học sinh đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh. Ông nhấn mạnh, khi UBND thành phố đã quyết định cho học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.