Hà Nội: Nhà hoang, đất sử dụng sai mục đích lớn

Hà Nội: Nhà hoang, đất sử dụng sai mục đích lớn

(GD&TĐ) - Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa công bố kết quả đợt kiểm tra trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy hiện có khoảng 655 căn biệt thự và 574 căn hộ liền kề đã xây xong phần thô nhưng chưa đưa vào sử dụng.

Hà Nội vẫn còn hơn 1.000 căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang
Hà Nội vẫn còn hơn 1.000 căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang

Qua kiểm tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 655 căn hộ biệt thự và 574 căn hộ liền kề đã xây hoàn thành phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng bỏ hoang là do tình trạng đầu tư nhà đất chưa phù hợp với nhu cầu đa số đối tượng xã hội. Hơn nữa do phương thức triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô.

Nhất là hệ thống hạ tầng khu đô thị mới chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của người dân đến sinh sống tại khu đô thị.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra hàng chục căn biệt thự tiền tỷ bỏ hoang nhiều năm nay. Thành phố đã yêu cầu một số chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc hoàn thiện các biệt thự theo đúng thiết kế, quy hoạch đã phê duyệt trong quý 2. Nếu quá hạn trên, khách hàng không hoàn thiện biệt thự, chủ đầu tư sẽ phải mua lại biệt thự theo giá có tính đến lãi suất ngân hàng để bán cho các khách hàng có nhu cầu thực sự.

Theo Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, kết quả kiểm tra bước đầu của 4 quận, huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm cho thấy, trong tổng số 33 khu đất trên địa bàn, với diện tích khoảng 488.545m2 của 23 chủ đầu tư, có 19 khu đất trống chưa sử dụng, diện tích khoảng 309.368m2; 10 khu đất các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng hiện đang sử dụng sai mục đích (làm bãi đỗ xe, sân bóng đá mini, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ô tô....), diện tích khoảng 159.328m2; 02 khu đất đã được UBND thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất , chủ đầu tư đang thực hiện xác định giá đất, ký hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án; 01 khu đất chưa giải phóng xong mặt bằng.

Thanh tra thành phố Hà Nội vừa công bố kết quả thanh tra chuyên đề quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai tại thị xã Sơn Tây. Kết quả việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất vẫn còn những chỉ tiêu vượt kế hoạch, một số nội dung đã triển khai lại không có trong kế hoạch sử dụng được phê duyệt. Trên cơ sở đó, Thanh tra thành phố Hà Nội đã kiến nghị và thu hồi 2,7 tỷ đồng.
 
Sai phạm nổi bật tại thị xã Sơn Tây là cho thuê trái thẩm quyền 42.598 m2 đất; 6 dự án thuê đất không nằm trong kế hoạch sử dụng đất; 4 dự án đã chuyển nhượng tài sản gắn với đất thuê cho cá nhân khác nhưng chưa làm lại thủ tục thuê đất... Ngoài ra, còn một số dự án khác trên địa bàn thị xã sử dụng đất để kinh doanh nhưng chưa có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất. Đồng thời, có dự án thuê đất trên địa bàn thực hiện không đúng mục đích, sử dụng đất lớn hơn diện tích thuê nhưng UBND thị xã chưa thu tiền thu đất theo số m2 thực tế. Tại các phường Trung Sơn Trầm, Trung Hưng và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Phúc Lộc xuất hiện một số dự án công trình xây dựng không có giấy phép, không bị xử lý hành chính theo quy định…

Báo cáo của Thanh tra thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 32 đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng chưa thực hiện, sử dụng không đúng mục đích hoặc không hiệu quả. 9 đơn vị được cơ quan nhà nước cơ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng đã cho thuê lại, tổng diện tích vi phạm khoảng 28.341m2.

Để khắc phục tình trạng này, Thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác giám sát, yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ hạ tầng tại các dự án; đồng thời tập trung ưu tiên các dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu CN; Ngoài ra, quan trọng nhất là tăng tỷ lệ nhà chung cư; đối với nhà ở thấp tầng phải hoàn thiện mặt ngoài công trình mới được bàn giao cho khách hàng.

Hà Nội cũng đã xây dựng chế tài xử lý nghiêm các vi phạm như: Phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ % giá trị hợp đồng theo các thời hạn 3 tháng, 6 tháng và 1 năm bỏ hoang biệt thự.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Song song với đó là đẩy mạnh các dự án xây dựng nhà ở cho thuê, thuê mua, trả góp.

Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ