Theo các chuyên gia, khi giải đua xe công thức 1 được tổ chức tại Hà Nội sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, song vẫn cần xem xét kỹ lưỡng...
Cơ hội quảng bá hình ảnh
Giải đua xe F1 có nguồn gốc từ giải vô địch Grand Prix châu Âu, diễn ra vào khoảng những năm 1920 và 1930. Năm 1946, luật chơi được chuẩn hóa bởi Liên đoàn Đua xe thế giới (FIA).
Tên của giải đua cũng đề cập đến bộ quy tắc mà tất cả các đội phải tuân thủ, ban đầu được gọi là Công thức A. Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức năm 1950 tại Silverstone (Anh).
Năm 2018, trong số 21 quốc gia đăng cai tổ chức giải F1, có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Macau và Bahrain. Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức giải đua này. Sau hai mùa giải 1976 và 1977, Nhật Bản ngưng tổ chức và trở lại vào năm 1987.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào cuối tháng 8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành ủng hộ chủ trương tổ chức giải đua xe F1 do TP Hà Nội đề xuất. UBND TP Hà Nội cũng cho biết, đã xin ý kiến người dân, đặc biệt là người dân ở những tuyến đường đi qua và nhận được sự đồng tình cao.
Lúc đầu, Hà Nội dự kiến tổ chức đua xe quanh Hồ Gươm và một số tuyến đường lân cận. Nhưng tuyến đua này có nhiều tiêu chí không hợp lý. Bởi Hồ Gươm là khu vực đông dân cư, hạ tầng chưa đạt yêu cầu và chi phí lớn. Do vậy, Hà Nội đề xuất tổ chức giải đua ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình. Đây là khu vực có hạ tầng đồng bộ, các tuyến đường rộng, mật độ dân cư, xây dựng còn ít.
Đề cập đến nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng, đăng cai giải... Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng đường đua F1 sẽ được TP Hà Nội thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không dùng ngân sách Nhà nước. Các doanh nghiệp đầu tư kinh phí vào dự án này sẽ được hoàn vốn thông qua đầu tư du lịch, quảng cáo...
F1 là một giải đấu mang tầm cỡ quốc tế, do vậy, đăng cai tổ chức giải này sẽ mang lại nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới, thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước tới Hà Nội…
Tính toán kỹ lưỡng
Việc Hà Nội đề xuất đăng cai giải đua F1 là hoạt động tạo thêm điểm nhấn cho Thủ đô, giúp thành phố thu hút thêm khách du lịch và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Để thực hiện được đường đua F1 tại Mỹ Đình, khi triển khai xây dựng cần nghiên cứu kỹ lưỡng từ địa điểm đến hạ tầng nơi tổ chức. Bởi đường đua F1 ở các quốc gia khác được xây dựng ở địa điểm xa khu dân cư, thường được bố trí ở đảo hoặc vịnh.
Như vậy, đối với trung tâm thể thao Mỹ Đình, cần xem xét các yếu tố về mật độ dân cư, mật độ giao thông… có phù hợp với một giải thi tầm cỡ quốc tế hay không”.
Theo ông Thanh, khi giải đua được tổ chức, du khách khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về khu vực này đông hơn. Do vậy, các khách sạn tại khu vực Mỹ Đình cũng cần đầu tư hơn, phải đạt từ 4 - 5 sao để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách quốc tế.
Ngoài ra, để thực hiện được giải đấu tầm cỡ như vậy, cần phải có đường đua đạt chuẩn an toàn, các đường đua phải có hạ tầng đồng bộ, tăng cường an ninh trật tự trong quá trình tổ chức giải đấu. Đặc biệt, các đường đua phải được thiết kế giảm thiểu tác động khi chiếc xe bị văng ra ngoài, đồng thời phải có khu vực thoát hiểm, bảo đảm cứu sống tay đua và an toàn cho khán giả...
Kinh phí đầu tư cho mỗi mùa giải dự kiến khoảng 1.200 đến 1.500 tỷ đồng/năm. Không chỉ vậy, để tổ chức được giải phải xây dựng đường đua, khán đài, vách ngăn an toàn và những hạ tầng khác có liên quan, có thể chi phí thêm hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, kinh phí xây dựng cũng cần phải có phương án tính toán hợp lý.
Được biết, Malaysia bắt đầu tổ chức giải đua F1 và duy trì tổ chức liên tiếp 19 mùa giải. Nhưng mới đây, quốc gia này đã chính thức rút khỏi F1 do chi phí cao, doanh số bán vé và du lịch giảm... Do vậy, chi phí tổ chức tại Hà Nội sẽ là một “bài toán” cho các nhà đầu tư.
Trước mắt, Hà Nội cần phải tích cực tạo ra sức hút truyền thông, thông qua đó khai thác quảng cáo, du lịch, thu hút được nguồn đầu tư xã hội hóa.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang tiếp cận các nhà đầu tư và đàm phán. Trong quá trình đàm phán với các nhà tổ chức thực hiện sẽ bàn tiếp các vấn đề liên quan một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có đăng cai tổ chức hay không.