Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam có tới hơn nửa tổng số ngày trong năm có chất lượng không khí kém, trong đó, Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết như vậy tại hội thảo "Ô nhiễm không khí ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Quỹ Hanns Seidel của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức ngày 25/4.
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và xem xét thông qua những quyết sách quan trọng liên quan đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Đây cũng là kênh thông tin khoa học cung cấp thêm tới các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý, phục vụ cho quá trình nghiên cứu và hoạt động quản lý nhà nước.
Ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường đô thị, các khu công nghiệp và các làng nghề Việt Nam hiện nay.
Nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy có 2 nguồn gốc sinh ra ô nhiễm không khí là tự nhiên và con người, trong đó tác nhân do con người gây ra gồm các hoạt động về giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, xử lý chất thải.
Ô nhiễm khí là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở các nước đang phát triển và phát triển. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và một trong các nguyên nhân là ô nhiễm không khí.
Bên cạnh những tác động lên sức khỏe con người, kinh tế-môi trường, ô nhiễm không khí còn gây ra những vấn đề toàn cầu gồm: sự suy giảm tầng ozon, sự ấm lên của khí quyển, lắng đọng axít...
Đánh giá chung về chất lượng môi trường không khí, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Thùy cho biết Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những đô thị bị ô nhiễm không khí cao nhất trong cả nước do chịu sức ép lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Một số tỉnh, thành phố có hoạt động phát triển công nghiệp mạnh, lâu đời như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai... cũng đã bị ô nhiễm không khí. Trong ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, ô nhiễm không khí do bụi vẫn là vấn đề nổi cộm. Ô nhiễm bụi diễn biến theo quy luật, đặc biệt tại khu vực đô thị tăng cao vào các giờ cao điểm. Ô nhiễm không khí tại các làng nghề so với giai đoạn trước không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.
Đề cập tới các giải pháp để giảm ô nhiễm không khí, Viện phó Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trung Thắng cho rằng cần rà soát lại các quy định pháp luật liên quan đến ô nhiễm không khí để kịp thời điều chỉnh va sửa đổi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đối với quản lý môi trường không khí, đặc biệt là ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.
Đối với những ngành, lĩnh vực có phát thải gây ô nhiễm không khí cao như giao thông vận tải, xây dựng, khu vực làng nghề và khu vực xử lý chất thải cần có sự quản lý chặt chẽ đồng thời có những cơ chế chính sách phù hợp nhằm hạn chế phát thải gây ô nhiễm không khí; khuyến khích các công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải có những nghiên cứu và xây dựng chính sách phù hợp nhằm hạn chế những tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, góp phần làm giảm thiểu tác hại ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu, trong đó, khẩn trương nghiên cứu để ban hành một đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí với những quy định chi tiết để khắc phục những bất cập nêu trên.
Đồng thời, các đại biểu cho rằng cần xây dựng cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên, mà trước tiên là trách nhiệm quản lý nhà nước.
Các ý kiến đề nghị cần tăng cường thông tin tuyên truyền và nâng cao nhận thức đối với người dân và doanh nghiệp về tác hại của ô nhiễm không khí, qua đó nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường không khí.