Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam bày tỏ: Mỗi nhà giáo có trách nhiệm trước xã hội là đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ trở thành công dân tương lai cho đất nước. Trong hoạt động giảng dạy và giáo dục của mình, bản thân các thầy, cô và gia đình các thầy, cô giáo là tấm gương phản chiếu quá trình giáo dục của mình.
Vì vậy, nhà giáo mẫu mực không chỉ mẫu mực trong mỗi bài giảng, trong cách ứng xử trong nhà trường, xã hội mà trước hết phải mẫu mực trong gia đình. Mỗi nhà giáo cùng với các thành viên trong gia đình xây dựng gia đình thành đạt, ấm no, hạnh phúc là tạo nên “tế bào” bền vững cho xã hội.
Phát huy truyền thống ấy, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để vừa giỏi việc trường vừa đảm việc nhà, đóng góp xây dựng nhà trường ổn định, phát triển, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nhiều nhà giáo đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội hiện có 187 Công đoàn cơ sở trực thuộc với hơn 12.000 đoàn viên, trong đó hơn 80% đoàn viên nữ. Hưởng ứng phong trào “Xây dựng gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu” của thành phố, Công đoàn ngành đã cụ thể hóa bằng phong trào “Xây dựng gia đình nhà giáo tiêu biểu” và gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động của ngành như “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà - Cô giáo người mẹ hiền”, phong trào thi đua “Hai tốt”…
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm khắc phục khó khăn, giúp nữ công nhân viên chức yên tâm gắn bó với đơn vị. Nhiều đơn vị có những mô hình thiết thực như: Nhóm nhà giáo trong biên chế lập quỹ giúp đỡ các giáo viên hợp đồng không có lương; nhóm cùng nhau đi chợ trên mạng giúp nhiều gia đình bảo đảm lương thực, thực phẩm trong mùa dịch.