Trái ngược với các nước như Anh, nơi trầm cảm có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, hay Mỹ với tỷ lệ tự tử leo thang, nhiều báo cáo chỉ ra rằng Hà Lan đứng đầu các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về sự hài lòng của người trẻ trong cuộc sống.
Vậy tại sao đất nước 17 triệu dân với khí hậu ẩm thấp cùng lịch sử chủ nghĩa thực dân và tư tưởng Calvin (gồm những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe, coi thú vui là sai trái) lại có thể đem đến cho thế hệ trẻ cái nhìn lạc quan về cuộc sống?
“Hoan hô” thay vì khen “ngoan”
TS Simone de Roos thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội Hà Lan (SCP) cho biết niềm vui sống của thanh thiếu niên chưa hề giảm từ năm 2013 đến nay.
“Tôi nghĩ trẻ em Hà Lan có mối quan hệ tích cực với xã hội xung quanh”, TS de Roos nhận định. “Các em có môi trường ủng hộ ở nhà và trường học. Cha mẹ hỗ trợ rất nhiều và không kiểm soát chặt. Giáo viên không độc đoán mà chấp nhận cảm xúc của học sinh, và ngược lại, các em tin tưởng giáo viên”.
Các học sinh Hà Lan tại lớp học.
Nghiên cứu gần đây về Hành vi Sức khỏe của Trẻ em (HBSC) yêu cầu trẻ trong độ tuổi đi học đánh giá cuộc sống trên thang 0-10, với 10 là điểm cao nhất. Kết quả là 94% cậu bé được khảo sát đánh giá cuộc sống hiện tại đạt tối thiểu 6 điểm trở lên. Số liệu tương ứng với nữ thấp hơn, đạt 84% - 92%.
Theo báo cáo này, Hà Lan nằm trong top 5 nước nơi trẻ em ăn sáng hàng ngày, xem TV hơn 2 giờ mỗi ngày và có bạn bè giúp đỡ. Hà Lan cũng là một trong những quốc gia có ít trẻ vị thành niên thừa cân, quan hệ tình dục trước 15 tuổi hoặc cảm thấy áp lực do học hành.
Nền kinh tế vững mạnh của đất nước đi kèm với tỷ lệ bất bình đẳng tương đối thấp và hầu như không có người thất nghiệp đã đóng góp vào kết quả lạc quan trên. Bên cạnh đó, theo người sáng tạo Cơ sở Dữ liệu Hạnh phúc Thế giới, GS Ruut Veenhoven, giới trẻ Hà Lan ít phải chịu gánh nặng của sự kỳ vọng.
“Nếu bạn nhìn vào châu Âu, người Hà Lan và Đan Mạch là những người khoan dung nhất và họ chú ý tới việc phát triển tính tự lập thay vì ưu tiên sự vâng lời”, ông nhận định. “Trẻ em được tự do làm những gì chúng muốn”.
Trong tiếng Hà Lan, không có một cụm từ nào có nghĩa “bạn là cậu bé hay cô bé ngoan”, Tjalling Appelhof, 14 tuổi cho biết. Thay vì vậy, người ta sẽ nói “hoan hô”, ”chúc mừng” và “cảm ơn”.
Giống như những đứa trẻ khác tại đây, cậu bé đạp xe đi học và cảm thấy có đủ tự do cá nhân. “Em có thể nói với cha mẹ em sẽ về nhà muộn, đương nhiên là phải về trước giờ đi ngủ nhưng em nghĩ em có đủ tự do”.
Tjalling Appelhof, 14 tuổi, đạp xe tới trường mỗi ngày.
Trân trọng bạn bè, tự tin, cởi mở
Dù Hà Lan là một trong những nước “nổi tiếng” với cần sa, theo báo cáo từ Viện Trimbos, việc sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc phiện đã có xu hướng giảm. Những hành vi này được các chuyên gia HBSC mô tả là “hành vi đe dọa” hạnh phúc. Một số nhân tố tiêu cực khác bao gồm nạn bắt nạt và gây gổ.
Tại trường Groen van Prinstererlyceum, Dani Karremans, 16 tuổi, cho rằng những áp lực đó không quá nghiêm trọng tại Hà Lan.
“Nếu so sánh vấn đề này với các nước khác, đặc biệt trong trường học, ta sẽ nghe thấy nhiều tin về học sinh bị bắt nạt nghiêm trọng. Nhưng tại đây, em không thường thấy điều đó xảy ra. Nếu ai đó định bắt nạt em thì em lờ đi thôi. Em có bạn bè riêng. Em cũng không nghĩ rằng tất cả mọi người đều phải thích em - điều đó là không thực tế”.
Saffron Jones, 16 tuổi, kể rằng cách đây 11 năm, cha mẹ em ly dị nhưng bạn bè xung quanh luôn giúp đỡ. “Em luôn có thể ở bên các bạn. Bây giờ, nếu học hành căng thẳng, em gần như đều có bạn giỏi một môn nào đó giúp, nên em bình tĩnh hơn”.
Theo dữ liệu HBSC, 86% trẻ em Hà Lan cho rằng bạn bè xung quanh tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ.
Ngoài ra, giáo dục giới tính bắt đầu từ 4 tuổi và Hà Lan là nước có tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai thấp nhất EU. Trên bức tường ở trường của Saffron còn dán tấm poster khuyến khích học sinh cởi mở công khai giới tính.
Thành tích giáo dục hay niềm vui của trẻ?
Jacqueline Boerefijn, giáo viên môn sinh học tại trường Groen van Prinstererlyceum.
Nền giáo dục Hà Lan, chủ yếu cho nhà nước tài trợ, có nhiều kỳ thi quan trọng đối với học sinh 12 tuổi và gồm 3 cấp học trung học, đáp ứng nhu cầu từ ứng dụng thực tiễn đến học thuật. Học sinh có thể chuyển từ hệ này sang hệ khác hoặc thậm chí là học lại một năm. Sự linh hoạt này giúp hạn chế căng thẳng cho các em.
Yara Agterhof, 17 tuổi, vừa thay đổi ngành học. “Em học vật lý, hóa học, sinh học trước một năm. Nhưng em thấy quá khó và quyết định quay lại hệ trước. Giờ em được làm những gì em thích. Em nghĩ cha mẹ cảm thấy chỉ cần em vui thì họ cũng vui”.
Những vấn đề xã hội như sự khác biệt giữa thành tích của trẻ dân tộc thiểu số và trẻ gốc Hà Lan vẫn tồn tại, trong khi cứ 9 em thì có một em lớn lên trong cái nghèo. Tuy nhiên, Jacqueline Boerefijin, giáo viên sinh học tại Groen van Prinstererlyceum, cho biết kể cả khi trường muốn đuổi học một học sinh thì họ cũng phải tìm một trường khác cho em đó. Hệ thống giáo dục vẫn luôn tạo sự động viên dành cho các em.
Tuy vậy, bà cũng lo ngại rằng trẻ em Hà Lan có thể phải chịu áp lực mới từ thành tích giáo dục.
“Làm ơn hãy ngừng đặt tiêu chuẩn cao. Bọn trẻ đang hạnh phúc mà. Chúng ta đã có quá nhiều người học cao mà hiện tại lại không có đủ thợ mộc và thợ hàn", bà chia sẻ.
Đối với cậu bé Tjalling, mọi thứ tương đối đơn giản. “Tại Hà Lan, mọi thứ xung quanh trẻ em như trường học, y tế, đều được tổ chức tốt. Những người giàu hơn thì giúp người nghèo. Đó có thể là lý do vì sao trẻ em đều vui vẻ”.