Hà Giang: Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

GD&TĐ - Những năm qua, ngành y tế tỉnh Hà Giang đã thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Chương trình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại Hà Giang phát huy hiệu quả thiết thực,
Chương trình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại Hà Giang phát huy hiệu quả thiết thực,

Chương trình với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh hộ gia đình và vệ sinh cá nhân. 

Nhà tiêu - vệ sinh và sức khỏe

Hà Giang là một tỉnh vùng cao núi đá, địa hình phức tạp, có độ dốc lớn, nhiều thung lũng và sông suối. Tỉnh có địa bàn dân cư phân tán (gồm 1 thành phố và 10 huyện, 195 xã/phường/thị trấn, 2.069 thôn/bản).

Trong đó có 136 xã với 1.409 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, người Mông chiếm 32,9%, Tày 23,2%, Dao 14,9%, Kinh 12,8%, Nùng 9,7%° còn lại là các dân tộc khác. So với các tỉnh miền núi phía Bắc khác thì dân số Hà Giang vào loại tương đối đông.

Tỷ lệ hộ nghèo từ 43,65% (2016) đến nay giảm xuống còn 22,29%, giảm 21,36% so với đầu năm 2016 (bình quân tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 4,27% ). Đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, trong tỉnh vẫn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các vùng, nhất là ở khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chưa đến 50%. Nhiều xã hoặc thôn, bản vẫn trong tình trạng không có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thói quen phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn còn khá phổ biến. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình, nhiều trường học, bệnh viện, bến xe, nơi công cộng... còn thiếu nhà vệ sinh hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn.

Hà Giang là 1 trong 21 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai “Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới kết hợp cùng nguồn vốn đối ứng của tỉnh giai đoạn 2016 – 2021. Mục tiêu của chương trình nhằm thay đổi hành vi vệ sinh của người dân nông thôn, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Sau hơn thời gian triển khai thực hiện, Chương trình đã mang lại hiệu quả trong việc thay đổi tập quán vệ sinh cá nhân lạc hậu của người dân, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn ở Hà Giang.

Chương trình được triển khai thực hiện từ năm 2016 và đến nay tỉnh đã triển khai xây dựng 59 công trình vệ sinh trạm y tế xã với tổng đầu tư 14.971 triệu đồng; hoàn thành 35 xã “Vệ sinh toàn xã”; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu mới cho hơn 4.800 hộ.

Nhờ sự vào cuộc và phối hợp của các ngành, đoàn thể tổ chức truyền thông về vệ sinh cá nhân, hướng dẫn sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã chủ động trong việc thực hiện xây dựng các công trình vệ sinh và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu vực sinh sống.

Việc hỗ trợ người dân xây dựng nhà vệ sinh đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, làm thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Ông Hoàng Xuân Hưng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học - bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang cho biết: Thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn, dưới sự chỉ đọa của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế và Sở Y tế, Trung tâm đã phối hợp với các huyện, xã triển khai xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình, công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trường học, trạm y tế, các tiêu chí xây dựng xã đạt “Vệ sinh toàn xã”.

Nhà tiêu hợp vệ sinh nâng cao sức khỏe cho người dân Hà Giang.
Nhà tiêu hợp vệ sinh nâng cao sức khỏe cho người dân Hà Giang.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh gia đình và các điểm rửa tay bằng xà phòng tại thôn, bản; hỗ trợ hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn tuyến huyện, xã lập hồ sơ minh chứng, kiểm đếm; hướng dẫn cán bộ xã và trạm y tế làm biên bản họp triển khai chương trình; lập kế hoạch hoạt động và hoàn thành bảng, biểu chuẩn bị công tác kiểm đếm; hướng dẫn các thôn, bản làm biên bản họp thôn.

Đến nay, Trung tâm đã phối hợp hoàn thành kiểm đếm, bàn giao các công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế xã được khởi công xây dựng cho các xã thuộc huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Mê, Quản Bạ. Phần lớn công trình cấp nước, nhà vệ sinh tại các trường học, trạm y tế xã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hoạt động hiệu quả.

Việc triển khai hợp phần vệ sinh nông thôn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực; được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhận thức của cộng đồng về nước sạch, vệ sinh môi trường không ngừng nâng lên; từ đó giúp họ thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt; đồng thời từng bước xoá bỏ tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, Chương trình còn có ý nghĩa quan trọng nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt tại tuyến cơ sở về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Mặc dù vậy, công tác vệ sinh môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, do tập quán sinh hoạt đã trở thành thói quen; việc tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và hướng tới mục tiêu đạt vệ sinh toàn xã.

Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu tối thiểu có trên 70% hộ gia đình nông thôn ở Hà Giang có nhà tiêu hợp vệ sinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh thôn bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề vệ sinh, triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát, báo cáo đánh giá của các đơn vị xã, huyện tham gia thực hiện chương trình.

Trung tâm cũng phối hợp với sở, ban, ngành liên quan để triển khai các hoạt động truyền thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoàn thành tiến độ chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...