Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh – Cải thiện môi trường sống tại nông thôn

GD&TĐ - Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” phát động từ năm 2012 trên quy mô quốc gia nhiều chương trình/dự án đa dạng được lồng ghép nhằm huy động các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh… 

Tham quan thực tế, học hỏi kỹ thuật xây nhà tiêu hợp vệ sinh mẫu tại xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên.
Tham quan thực tế, học hỏi kỹ thuật xây nhà tiêu hợp vệ sinh mẫu tại xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên.

Trong đó, có những dấu ấn tại nhiều địa phương đạt kết quả tốt trong việc nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh

Sau hơn 6 năm triển khai, Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã góp phần làm chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh. 

Theo thống kê, tính đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh trên toàn quốc là 73,6%, tăng 16,6% so với năm 2012. Một số khu vực có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh cao là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Các khu vực khác như Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc mặc dù tỷ lệ nhà tiêu hộ gia đình hợp vệ sinh còn thấp nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực qua các năm. 

Một trong những nguyên nhân góp phần tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh là công tác truyền thông, vận động người dân xây dựng sử dụng nhà tiêu đã được quan tâm và chú trọng. 

Ở tỉnh vùng cao Ðiện Biên, với địa hình đồi núi phức tạp, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề nâng cao tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh gặp rất nhiều khó khăn. 

“Ðiện Biên là 1 trong những có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn thấp nhất cả nước. Ðể cải thiện điều này, việc nâng cao nhận thức, truyền thông thay đổi hành vi cho người dân các địa bàn thực sự quan trọng, cần được thực hiện đầu tiên nhằm giải quyết “gốc rễ” vấn đề…” - Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Điện Biên bày tỏ.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương như Bộ Y tế, sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như của nhiều tổ chức quốc tế., rất nhiều các mô hình và hoạt động truyền thông về vệ sinh đã được thí điểm, triển khai có hiệu quả để góp phần tăng tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại đây. Ví dụ như các mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ (CLTS), cộng đồng chấm dứt phòng uế bừa bãi (ODF), các hoạt động của chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn…

Công tác truyền thông được ngành y tế tỉnh Điện Biên chú trọng, nhấn mạnh vào cách truyền thông vệ sinh môi trường đạt hiệu quả, đặc biệt là làm và sử dụng nhà tiêu HVS và phát triển thị trường vệ sinh tại cộng đồng, kỹ thuật xây dựng nhà tiêu HVS hộ gia đình.

Công tác truyền thông nếu được thực hiện tốt, gần gũi, sâu rộng và có sự tham gia của nhiều lực lượng, đoàn thể có thể phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi một số tập quán lạc hậu, từ đó công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cũng sẽ được quan tâm hơn. 

Từ năm 2017 đến nay, ngành y tế tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ gần 1.000 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc hỗ trợ xây dựng những nhà tiêu này nằm trong tiểu hợp phần thuộc Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn được triển khai tại tỉnh.

Là 1 trong 21 tỉnh, thành phố trong cả nước được chọn tham gia Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả, sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới kết hợp cùng nguồn vốn đối ứng của tỉnh giai đoạn 2016 – 2021, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, chương trình đã mang lại hiệu quả trong việc thay đổi tập quán sinh hoạt lạc hậu của người dân, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn ở Bắc Kạn.

Ngành y tế tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 30 xã đạt vệ sinh toàn xã; trong đó tiêu chí số hộ gia đình đạt nhà tiêu hợp vệ sinh trong một xã phải trên 70%.

Bà Mai Thị Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Bắc Kạn cho biết: Trung tâm được Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn giao nhiệm vụ triển khai chương trình tuyên truyền xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh thôn bản.

Nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức với các hình thức phong phú như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, vận động từng hộ gia đình, người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tập huấn cho các trưởng thôn, cộng tác viên y tế, tuyên truyền viên cấp xã về kỹ năng truyền thông nhà tiêu hợp vệ sinh.

Sau khi triển khai, chương trình đã tác động tích cực tới cộng đồng, người dân đã có ý thức hơn việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh để đảm bảo môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Những khó khăn, thách thức trên đòi hỏi trong thời gian tới cần triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo vệ môi trường, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe.

Từ việc thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi hành vi, tiến tới có những hành động tích cực được thực hiện thường xuyên trong mỗi con người, mỗi gia đình, cộng đồng làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng trong lành, sạch sẽ và an toàn hơn.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.