Hà Giang: Tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng nông thôn

GD&TĐ - Với quyết tâm của chính quyền và nhân dân, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở tỉnh Hà Giang không ngừng tăng; ý thức của cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hà Giang: Tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng nông thôn

Nhiều kết quả khả quan

Hà Giang là một tỉnh vùng cao núi đá, địa hình phức tạp, có độ dốc lớn, nhiều thung lũng và sông suối. Với địa bàn dân cư phân tán, trong đó có 136 xã với 1.409 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống: Người Mông chiếm 32,9%, Tày 23,2%, Dao 14,9%, Kinh 12,8%, Nùng 9,7%° còn lại là các dân tộc khác. 

Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,17%, hộ cận nghèo chiếm 12,71%. Một số địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở dưới nhà sàn, nhiều người dân còn đi tiêu, phóng uế bừa bãi.

Xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, sự tài trợ giúp đỡ của Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình y tế trên địa bàn tỉnh... 

Do vậy, trong những năm gần đây tình hình xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và bà con những xã vùng sâu, vùng xa nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định và góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, hộ gia đình, vệ sinh môi trường.

Tính riêng trong năm 2019, tỉnh Hà Giang đã đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước và nhà tiêu HVS cho 25 trạm y tế xã; hỗ trợ xây mới và cải tạo 3.566 nhà tiêu hộ gia đình cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thuộc các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. 

Hà Giang: Tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng nông thôn ảnh 1
25 nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trạm y tế xã ở Hà Giang đã được sửa chữa và xây mới.

Toàn tỉnh có 162.321/179.849 hộ có nhà tiêu (chiếm tỷ lệ 90,2%); trong đó số hộ có nhà tiêu HVS chiếm 67,5% (121.484 hộ). Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu HVS trên tổng số hộ có nhà tiêu chiếm gần 75%.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Ông Hoàng Xuân Hưng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học - bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Trung tâm) cho biết: Xây dựng nhà tiêu HVS là một bài toán nan giải do tập quán của người dân và các hành vi vệ sinh cá nhân chậm thay đổi. 

Việc chậm thay đổi về nhận thức trong thực hiện vệ sinh cá nhân là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật như: tiêu chảy, thương hàn, tả, đau mắt hột… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế – xã hội. 

Thêm vào đó, để xây dựng một nhà tiêu HVS cũng phải tốn kém vài triệu đồng. Đây là điều khó khăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tuy nhiên, bà con chưa nhận thức được hết những ảnh hưởng của việc sử dụng nhà tiêu không HVS, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi thành viên trong gia đình mà con là nơi tiềm ẩn để dịch bệnh phát triển.

Hà Giang: Tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng nông thôn ảnh 2
25 nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trạm y tế xã ở Hà Giang đã được sửa chữa và xây mới.

Trước tình trạng này, hàng năm dưới sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế, ngành y tế địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông thay đổi hành vi, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai các hoạt động tại địa bàn các huyện, xã tham gia chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. 

Trong đó, hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia chương trình các cấp luôn được ngành y tế chú trọng triển khai từ đầu. 

Trong năm 2019, Trung tâm đã tổ chức được 4 hội nghị triển khai chương trình tuyến tỉnh; 1 lớp tập huấn cho cán bộ nòng cốt tuyến tỉnh, huyện, xã về nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình, kỹ năng truyền thông, kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình. 

Cùng với đó, trung tâm thực hiện 1 phóng sự, 3 bài báo, các chương trình phát thanh, hàng trăm áp phích tuyên truyền về thực hiện xây dựng và sử dụng nhà tiêu HSV trên toàn tỉnh. 

Đồng thời tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, khảo sát đánh giá các hoạt động của chương trình và lấy 41 mẫu nước làm xét nghiệm để đánh giá chất lượng theo quy chuẩn tại 7 trạm y tế xã và 08 trường học. 

Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu HVS; tuyên truyền người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu hỗ trợ xây dựng nhà tiêu gia đình cho 5.150 hộ; thực hiện 35 xã đạt tiêu chí "Vệ sinh toàn xã"… các cấp, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe và giữ gìn vê sinh môi trường.

"Thay đổi hành vi vệ sinh cho mỗi người cần mất hàng chục năm. Ngay từ bây giờ, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ trong tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của các gia đình, nhất là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn về vấn đề này để góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn", ông Hoàng Xuân Hưng khẳng định.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.