GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần đánh giá đúng vai trò môn Ngoại ngữ

GD&TĐ - “Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc rất đáng hoan nghênh, thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến người dân thực sự nghiêm túc, cầu thị”

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT thể hiện mong muốn giảm căng thẳng cho học sinh trước kỳ thi quốc gia, qua việc rút số môn thi xuống còn 4 môn hoặc 5 môn.

Nhưng, hiện nay học sinh ở THPT học đến 14 môn và 4 hoạt động. Vậy, việc chọn 4 môn (theo phương án 1) và 5 môn (theo phương án 2) là căn cứ trên cơ sở khoa học nào?

Nhiều người đề xuất nên thi bắt buộc 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Lý do vì đó là 3 môn công cụ hết sức quan trọng, cần thiết đối với học sinh ở tất cả các ngành nghề. Đó là cách lựa chọn có căn cứ.


Tại dự thảo này, tôi cho rằng, cần phải đánh giá đúng hơn vai trò của môn Ngoại ngữ. Bởi đây là môn học vô cùng quan trọng trong thời hội nhập. 

Trong khi triển khai Đề án dạy học Ngoại ngữ, theo đó, bắt buộc dạy môn học này từ lớp 3 trở lên mà chúng ta lại chấp nhận tình trạng yếu kém ngoại ngữ ở cấp THPT thì đó là điều rất khó hiểu.

Nên nhớ, đến năm 2015 thì thị trường Asean sẽ là một. Nếu người Việt Nam không thạo ngoại ngữ, liệu có cạnh tranh nổi về việc làm với các nước Asean khác hay không? Đó là vấn đề lớn, vấn đề chiến lược mà Bộ GD&ĐT phải suy nghĩ.

Tôi cho rằng, nên chọn Ngoại ngữ làm môn thi bắt buộc. Nếu năm nay quá gấp, học sinh chưa kịp chuẩn bị thì có thể cho phép thay thế Ngoại ngữ bằng một môn khác. Nhưng từ sang năm cần phải bắt buộc thi Ngoại ngữ. Như vậy mới nâng được chất lượng dạy học ngoại ngữ của các vùng miền.

Tôi cũng được biết, dự thảo có đề cập đến chuyện miễn thi tốt nghiệp THPT cho một số đối tượng và đặt chỉ tiêu là 20%.

Tôi nghĩ, kết quả học tập các tỉnh là không giống nhau. Giả dụ, nếu Hà Nội cũng 20%, Bắc Kạn cũng 20% thì không công bằng. Theo tôi, nên dùng một biện pháp khác: ngoài việc miễn thi cho các đối tượng đã quy định từ những năm trước, năm nay có thể thêm hình thức mới là cộng điểm cho những học sinh giỏi. 

Phương án này vừa khuyến khích học sinh phấn đấu trong quá trình học tập, vừa hạn chế được các hiện tượng tiêu cực có thể nảy ra từ cái “chỉ tiêu” 20% học sinh được miễn thi.

*****
Nhằm giúp Ngành Giáo dục có một phương án thi tốt nghiệp ổn định từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi có lứa học sinh đầu học xong chương trình mới để thi theo phương án mới, vừa giảm áp lực cho học sinh vừa đảm bảo đánh giá thực chất hơn, báo GD&TĐ mở Diễn đàn đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, đăng tải rộng rãi những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục, các em học sinh và các bậc cha mẹ.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: thitnpt@gmail.com  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ