Tôi đã đọc kỹ 2 phương án trong dự thảo và với quan điểm cá nhân, tôi lựa chọn phương án 1. Đó là: Thí sinh thi 4 môn, gồm: 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ với đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp.
Lý do: Mặt dù chương trình học ở các cấp học được Bộ GD&ĐT giảm tải bằng kéo dài thời gian và bỏ một số nội dung ở các môn học, nhưng không vì thế mà nhẹ đối với việc học của học sinh. Số môn thi tốt nghiệp ít lại và có 2 môn tự chọn phù hợp với năng lực của học sinh sẽ giúp các em bớt gánh nặng về học tập
Phương án này cũng thuận lợi về thời gian cho học sinh ôn luyện nhiều hơn kiến thức sách giáo khoa để thi ĐH, CĐ vò thi tốt nghiệp THPT và ĐH chỉ cách nhau 1 tháng. Bên cạnh đó, phù hợp với nhiều vùng miền, nhất là miền núi và hải đảo
Thi tốt nghiệp là ghi nhận hoàn thiện chương trình phổ thông. Do đó, việc tổ chức thi theo phương án 1 kết hợp với điểm trung bình các môn năm cuối cấp để xét tốt nghiệp là phù hợp, nhưng phải đảm bảo tính khách quan, công tâm.
Tuy nhiên, thực tế ở các trường học hiện nay đối với các môn "có thi thì có học, không thi thì không học", điều này ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục của nhà nước ta.
Do đó, theo tôi, nên chăng lấy điểm trung bình cộng của 3 năm học (hoặc năm cuối cấp tính hệ số 2) cộng với các môn thi để xét tốt nghiệp THPT.
*****
Nhằm giúp Ngành Giáo dục có một phương án thi tốt nghiệp ổn định từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi có lứa học sinh đầu học xong chương trình mới để thi theo phương án mới, vừa giảm áp lực cho học sinh vừa đảm bảo đánh giá thực chất hơn, báo GD&TĐ mở Diễn đàn đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, đăng tải rộng rãi những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục, các em học sinh và các bậc cha mẹ.
Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: thitnpt@gmail.com