GS Châu kể: “Lần gần đây nhất, sau khi tìm ra “kịch bản” lời giải cho một bài toán năm 2003 – 2004, tôi cùng với thầy giáo tôi lúc đó đã giải quyết được một trường hợp đặc biệt đúng theo kịch bản đấy”
Thế nhưng, sau đó, suốt 4 năm từ 2004 đến 2008, dù làm việc làm việc nhưng lúc nào đầu óc ông cũng vẫn quanh quẩn với bài toán đó, không suy nghĩ làm được việc gì khác. “Đó cũng là lý do tại sao mà tôi không tham gia vào kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2007. Thật sự không nghĩ được chuyện nào khác, lúc nào cũng chỉ quanh quẩn, cảm thấy bế tắc, bó tay khi mình đã thử tất cả phương án mà mình có thể”, GS Châu nói.
Theo GS Châu, ông cảm thấy các yếu tố cần thiết đều có nhưng không biết tại sao các phương án đưa ra đều thất bại, không thể đi đến được đích mà mong muốn. Năm 2008, khi qua ĐH Pricenton, trước niềm tin và sự kỳ vọng của mọi người dành cho quá lớn, ông lại càng cảm thấy bi đát, thất bại. Bởi sau 4 năm thử tất cả các phương án đều không thể làm ra.
Thế nhưng, những nỗ lực không biết mệt mỏi của vị GS cuối cùng cũng được đền đáp. May mắn khi thời điểm đó, GS Châu dạy một khóa học có rất nhiều người đến nghe, trong đó có những người rất giỏi về chuyên môn.
Cuối buổi, ông hỏi một trong những người ngồi nghe buổi trình bày của ông. Đây là một trong những người sáng tạo ra công cụ mà theo GS Châu là được ông hay sử dụng nhất.
“Tôi hỏi ông ấy đã bao giờ nhìn thấy hiện tượng đó xảy ra trên đời này chưa? Ông ấy cũng gật gù bảo có. Lúc đó, ông ấy đã viết một điều gì đó nhưng dường như thấy không thú vị nên không nói và để ngày hôm sau mới trình bày.
Hôm sau ông ấy ông trình bày một ví dụ, bài toán cực kỳ phức tạp, cách tính toán lại rất đơn giản, nhưng phương án này tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Mà câu trả lời trong bài toán của ông ấy mà tôi hiểu mở rộng ra chính là cái mà tôi cần.
Đêm hôm đó về nhà, tôi cảm thấy tất cả mẩu vỡ vụn mình nghĩ trước đây tự nhiên như được kết nối bằng một chất keo dính. Hai đêm không ngủ chút nào. Và cuối cùng, sau hai năm sau thì tất cả những gì tôi muốn chứng minh đều làm được cũng nhờ từ những suy nghĩ đêm hôm đó”, GS Châu nhớ lại.
Qua câu chuyện của riêng mình, GS Châu cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ và thế hệ IMO kế cận cần giữ tinh thần không bỏ cuộc, quyết tâm trước những bài toán.