Grab có đứng "ngoài cuộc" khi chính sách thuế thay đổi?

Việc tăng thuế, phí rất có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn như khi giá dịch vụ tăng nhu cầu sẽ giảm xuống theo quy luật cung - cầu của thị trường.

Grab có đứng "ngoài cuộc" khi chính sách thuế thay đổi? ảnh 1Một tài xế chạy GraBike cho biết: “Hiện nay Grab trừ 20% của mỗi cuốc xe. Sau đó lại trừ tiếp 10% số tiền chúng tôi được hưởng”. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Liên quan đến việc tài xế phản đối việc Grab tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 3% lên 10% lên đối tác tài xế, Grab Việt Nam cho biết, đơn vị đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên.

Theo tài xế Phạm Toàn Thắng, quê Thái Bình có 3 năm chạy xe Grab ở Hà Nội, lâu nay Grab áp dụng mức khấu trừ chỉ 20% và thuế VAT 3% cùng thuế thu nhập cá nhân trên mỗi cuốc xe giúp anh có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ 11h ngày 5/12, thuế VAT tăng từ 3% lên 10% và thuế thu nhập cá nhân 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến xe trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng khiến thu nhập của anh giảm theo và lẽ ra phần thuế VAT này khách hàng phải chịu.

Cụ thể, trước đây tài xế chạy cuốc xe được 100.000 đồng, Grab cắt 20% doanh thu và trừ 1,5% thuế thu nhập cá nhân, thu nhập được gần 80.000 đồng, chưa trừ chi phí xăng xe cũng như hao mòn xe, thì nay khấu trừ thêm 10% thuế VAT, thu nhập chưa đến 70.000 đồng cho cuốc xe này và điều này đồng nghĩa với thu nhập của các tài xế bị giảm theo mỗi cuốc xe.

Anh Thắng cũng đưa ra bài toán, nếu làm ở các doanh nghiệp, người lao động chỉ đi tay không đến làm việc trong khi chạy Grab phải đầu tư tư liệu sản xuất, từ xe đến điện thoại. Đơn cử như chiếc xe máy anh đang sử dụng trị giá gần 30 triệu đồng, nếu không chạy Grab, chiếc xe có thể đi được 10 đến 15 năm, nhưng chạy Garb thì chỉ khoảng vài ba năm chiếc xe đã hỏng.

Anh Thắng cho rằng, mỗi tháng Grab nên khấu trừ từ 3-5 triệu tiền doanh thu để khấu hao tài sản và tài xế chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở số còn lại.

Điều anh Thắng nhấn mạnh ở hãng xe công nghệ này là Grab công bố có đến 90% tài xế không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng thực tế đi hỏi 10 người thì có đến 9 người nói phải đóng, vậy số tiền này đi đâu?

Anh dẫn chứng, năm ngoái anh phải đóng thuế thu nhập cá nhân gần 7,4 triệu đồng, anh và các đồng nghiệp cũng đóng khoản thuế này đã đến Chi cục Thuế Hà Nội để kiểm tra, nhưng thực tế không có dữ liệu nào của anh em đã đóng.

Khi hỏi Grab họ bảo đã đóng rồi, vậy số tiền này đã đi đâu, anh Thắng và các đồng nghiệp đặt câu hỏi. Anh Thắng cho rằng, quan điểm của anh em tài xế là cần Grab minh bạch hơn, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ về vấn đề này.

Trong khi đó, tài xế Hà Văn Tụ, quê Nam định chạy xe Grab hơn 2 năm cũng ở Hà Nội cho rằng, do tuổi cao nên mỗi tháng chạy xe Grab có thu nhập chỉ từ 4 đến 5 triệu đồng, nay hãng xe trừ chiết khấu 10% thuế VAT và thu từ tài xế nên thu nhập mỗi tháng vốn đã thấp sẽ càng thấp hơn.

Do đó, việc tăng thuế VAT không chỉ ảnh hưởng thu nhập của các tài xế mà khách hàng cũng bị ảnh hưởng do giá dịch vụ tăng. Khi giá cước tăng, khách hàng sẽ chuyển sang sử dụng xe công nghệ của các hãng khác như Be, GoViet, Gojeck…, khi đó Grab sẽ dần mất khách là điều dễ hiểu.

Cùng quan điểm trên, tài xế Grab Nguyễn Trung Kiên đến từ tỉnh Hưng Yên cho hay, khi kí hợp đồng với Grab trong hợp đồng nêu rõ chiết khấu thuế giá trị gia tăng 20%. Tuy nhiên vào ngày 5/12 vừa qua, Grab đã thông báo sẽ thu chiết khấu 30%/cuốc xe.

Với việc tăng chiết khấu như vậy, anh Kiên cùng nhiều tài xế khác cho biết nếu không có thay đổi cách tính từ Grab, anh cùng một số đồng nghiệp đang tính đến việc làm khác.

Theo anh Kiên, với cuốc xe ngắn 12.000 đồng, trước đây khấu trừ doanh thu 20% số tiền nhận được là 9.600 đồng, nay áp thêm thuế VAT 10% thì chỉ còn 8.400 đồng. Trong khi đó, số tiền thuế VAT này lẽ ra là thu từ khách hàng, nhưng Grab lại thu từ tài xế.

Grab có đứng "ngoài cuộc" khi chính sách thuế thay đổi? ảnh 2Các tài xế Grab với những băng rôn khẩu hiệu "Grab thu thuế VAT bất hợp lý". Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Anh Kiên và nhiều tài xế khác cũng cho rằng, nếu Grab muốn thu các khoản phí thì cần rõ ràng và minh bạch hơn. Grab nên bóc tách giá cước và phần thuế VAT. Theo đó, Grab nên cộng VAT sau khi đã tính cước như các hóa đơn trong siêu thị hay nhà hàng ăn uống.

Đồng thời bổ sung trên ứng dụng phần thu thuế 10% từ phía khách hàng, tài xế sẽ thu hộ và anh em sẽ không bức xúc dẫn đến việc biểu tình như ngày 7/12 vừa qua ở hai đầu đất nước.

Theo lý giải của Grab Việt Nam, việc thu thuế VAT tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ này là thực hiện theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12/2020.

Cụ thể, tại điểm a và điểm c khoản 5 điều 7 trong Nghị định này quy định: Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho người nộp thuế phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về khai thuế, nộp thuế như quy định đối với người nộp thuế tại Nghị định này.

Ở điểm a, Nghị định nêu rõ: Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế…

Còn ở điểm c, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Như vậy, theo Nghị định 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.

Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Cũng theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Grab có đứng "ngoài cuộc" khi chính sách thuế thay đổi? ảnh 3Hàng trăm tài xế Grab tập trung đông đảo diễu hành trên phố Kim Mã. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Đại diện Grab cũng cho hay, trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, Grab đã chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của Nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện Nghị định. Tuy nhiên, tới nay Grab Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.

Trong khi đó, theo giới chuyên môn, khi khách hàng bị tính thêm thuế VAT 7% và trừ trực tiếp vào cuốc xe của tài xế sẽ làm giảm thu nhập với mức khấu trừ mới này.

Thế nhưng, Grab vẫn giữ nguyên mức hoa hồng được hưởng 20%/tổng doanh thu của GrabBike và từ 20-25% đối với GrabCar, thì rõ ràng Grab với thế mạnh đang chiếm đến 75% thị phần tại Việt Nam lại đang đứng ngoài cuộc khi chính sách về thuế thay đổi mà không chia sẻ với đối tác.

Bên cạnh đó, việc tăng thuế, phí này rất có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn như khi giá dịch vụ tăng nhu cầu sẽ giảm xuống theo quy luật cung - cầu của thị trường.

Cạnh đó, các tài xế Grab sẽ chuyển sang các hãng xe công nghệ khác để nhận được ưu đãi hoặc chuyển sang làm nghề khác, còn người tiêu dùng sẽ chuyển sang dịch cụ của các hãng xe công nghệ khác, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra khiến người tiêu dùng đang phải cân nhắc đến việc chi tiêu.

Theo bnews.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ