Nên có chính sách thuế khuyến khích đối với hàng hoá thân thiện với môi trường

Nên có chính sách thuế khuyến khích đối với hàng hoá thân thiện với môi trường

Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đã được Quốc hội khóa 12 cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến tại các đoàn ĐBQH, ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học có liên quan và đại diện cử tri để hoàn chỉnh Dự án Luật. 

không nên mở rộng quá đối tượng chịu thuế

Điều 3, dự án Luật quy định 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, bao gồm: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi ni lông và thuốc bảo vệ thực vật. Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, không nên mở rộng quá đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, vì qua khảo sát thực tế cho thấy, mức độ gây ô nhiễm của các sản phẩm là khác nhau và trong bối cảnh hiện nay chưa nên quy định mọi sản phẩm gây ô nhiễm đều thuộc diện chịu thuế. Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng, quy định tại Điều 3, dự án Luật là hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu Đinh Xuân Thảo băn khoăn về việc giải thích thu thuế xăng, dầu thay cho phí xăng, dầu. Khi xây dựng Pháp lệnh lệ phí, giải thích đây là khoản thu để duy tu đường bộ cho nên một số ngành như ngành khai thác thủy sản không đi trên đường bộ nên không tính phí đó.

Về khoản 9, Điều 3 quy định: “Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác phù hợp với từng thời kỳ với từng kỳ thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định”, theo đại biểu Ngô Minh Hồng (đoàn TP. HCM) nên bỏ, vì khi bổ sung đối tượng chịu thuế phải bổ sung tính khung thuế. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc quy định như vậy sẽ làm mất tính ổn định của Luật, bởi hơn bao giờ hết, các đạo luật liên quan đến thuế cần sự ổn định tương đối, bởi thuế tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đại biểu Lương Phan Cừ (đoàn Đắc Nông) cũng cho rằng, nên bỏ quy định tại khoản 9, Điều 3. Trong trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quy định.

Hãy chung tay bảo vệ môi trường.
Hãy chung tay bảo vệ môi trường.

Nên hay không nên quy định đối tượng không chịu thuế cũng là vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn. Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, đã có Điều 3 quy định về đối tượng chịu thuế thì có cần thiết phải quy định về đối tượng không chịu thuế tại Điều 4 nữa không. Nên chăng, chỉ cần quy định đối tượng chịu thuế. Ngay cả đối với quy định về đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển qua cửa khẩu biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật tại Điều 4, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) đề nghị, nên chuyển từ điểm c là hàng hóa quá cảnh qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước ngoài ủy quyền thành điểm b là hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam, đưa vào kho ngoại quan nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam là hợp lý.

Nên tính thuế tương đối theo phần trăm

Khoản 1, Điều 8, dự án Luật quy định, mức thuế tuyệt đối theo biểu khung như: xăng các loại sẽ chịu mức thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít; túi ni lông chịu mức thuế từ 30.000 - 50.000 đồng/kg… Báo cáo thẩm tra của UBTVQH cho thấy, Luật quy định khung thuế, còn mức thuế cụ thể sẽ do Chính phủ trình UBTVQH quy định là hợp lý. Lý giải điều này, UBTVQH cho rằng, thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế mới, nên việc quy định khung và giao cho UBTVQH quy định mức thuế sẽ tạo sự linh hoạt khi cần thiết điều chỉnh mức thuế, bảo đảm không phải sửa Luật khi thay đổi mức thuế cụ thể. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đề nghị, nên tính thuế tương đối theo phần trăm, không nên theo giá trị tuyệt đối. Nếu quy định tuyệt đối mức thuế thì cùng với sự trượt giá dẫn đến giá trị mức thuế đẩy dần xuống thấp, và những nhà sản xuất các vẫn mặc nhiên sản xuất, sử dụng các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường. Bên cạnh đó, mức thuế quy định như trong dự án Luật là chưa hợp lý, nên quy định mức thuế trên cơ sở đánh giá lại tác động môi trường của sản phẩm hàng hóa để đánh thuế - đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị.

Đối với một số đối tượng chịu thuế cụ thể như xăng, dầu, một số ý kiến của các đại biểu cho rằng cần cân nhắc toàn diện, tránh tác động mạnh đến giá cả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đời sống người dân. Do vậy, ở thời điểm hiện nay, chỉ nên áp dụng mức sàn của khung thuế đối với xăng, dầu là 1.000đồng/lít. Đối với than, có ý kiến cho rằng, thu hẹp biên độ khung mức thuế suất đối với than theo hướng nâng mức sàn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên quy định từng loại than cụ thể thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường vì trên thực tế có những loại than sạch, không gây ô nhiễm. Đối với các loại than, bao gồm: than nâu, than đá, than antraxit, than mỡ cần được quy định rõ mức khung thuế đối với từng loại. Cụ thể về vấn đề này, đại biểu Nghiêm Vũ Hải (đoàn Điện Biên) cho rằng, trong 4 loại than thuộc về than đá, than antraxit vẫn phải thu mức thuế cao nhất do tác động môi trường của loại than này lớn, các lại than khác tính theo hàm lượng cacbon. Theo đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang), về biểu khung thuế quy định túi ni lông thuộc diện chịu thuế từ 30 - 50.000 kg, đề nghị tăng thêm từ 40 - 60.000 kg thì mới hợp lý.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định đánh thuế đối với các sản phẩm hàng hóa tác động xấu đến môi trường. Nên chăng, trong dự án Luật nên có chính sách thuế đối với hàng hoá thân thiện với môi trường để khuyến khích sự phát triển của những loại hàng hóa này.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ