Góp ý báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX

GD&TĐ - Chiều 16/11, tại Lào Cai, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức "Hội thảo góp ý báo cáo tổng kết Nghị quyết số 37 -NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Ngô Thị Minh tham dự hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các địa phương Trung du và miền núi Bắc bộ.

Theo báo cáo được trình bày tại Hội thảo, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, Kết luận 26-KL/TW của Bộ Chính trị, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương, cùng sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong vùng, việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh tham dự tại Hội thảo.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh tham dự tại Hội thảo.

Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng. Nhiều tiềm năng, lợi thế từng bước được khai thác hiệu quả. Tăng trưởng GRDP của vùng qua các năm không ngừng được cải thiện, chất lượng tăng trưởng được cải thiện chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực…

Các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh được hình thành và phát triển như cây ăn quả, trở thành vùng cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt trên 55%, cao hơn 1,3 lần bình quân chung cả nước. Dịch vụ được mở rộng và tăng trưởng khá, nhất là du lịch; Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện, đường, trường, trạm... từng bước được cải thiện. Một số tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên đã được xây dựng.

Tuy nhiên, Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Quy mô kinh tế còn nhỏ, trình độ phát triển thấp, không đồng đều, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng còn chưa liên thông, mới có một số tuyến chính, ít tuyến mới, không hiện đại và thiếu đồng bộ. Kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ và kết nối doanh nghiệp còn rất hạn chế, rời rạc.

Một trong những nhân tố được xem như đem lại sức bật mới cho vùng là mô hình “liên kết giữa 4 nhà” chỉ tập trung ở một vài địa phương, chưa phát triển mạnh và trở thành phổ biến, nhất là những mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Hội thảo nhằm hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Đặc biệt là giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt có tính vùng, liên vùng. Trên cơ sở đó, đề xuất cơ chế chính sách nhằm khai thông, bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Điện Biên, Thanh Hóa... đề xuất cần tập trung đánh giá kỹ và xác định rõ thế mạnh của từng địa phương để đề xuất xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể vùng. Cần đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện quy hoạch vùng, bổ sung thêm kết quả liên kết giữa các tỉnh trong việc di dân tái định cư thủy điện của tỉnh Sơn La và Lai Châu.

Bên cạnh đó, một số địa phương đề nghị cần có cơ chế đặc thù riêng cho vùng, có sự phối hợp trong xây dựng các tuyến giao thông kết nối. Dịch chuyển lao động trong vùng, chú trọng hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, kết nối du lịch liên vùng. Cần có chính sách ưu tiên phát triển điện năng lượng, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác tiềm năng phát triển kinh tế trên đất dốc. Cần bổ sung thêm về chính sách đầu tư cho phát triển rừng, công nghệ chế biến đối với cây mắc ca…

Theo đại biểu tỉnh Sơn La, hiện địa phương vẫn là một tỉnh nghèo. Do đó, đề nghị Ban chỉ đạo nghiên cứu đề xuất với các Bộ, ngành, Trung ương có chính sách ưu đãi đặc thù cho Sơn La trong phát triển nông nghiệp hàng hoá, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi cho trồng rừng, trồng cây ăn quả và cây dược liệu. Phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng viễn thông…

Về phần đóng góp ý kiến cho dự thảo, đại biểu tỉnh Lào Cai bày tỏ quan điểm nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo đã trình bày tại hội thảo. Tỉnh Lào Cai đề xuất với các bộ, ngành Trung ương cần sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, từ đó làm tiền đề, cơ sở để Lào Cai hoàn thiện quy hoạch phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, cần có chính sách thúc đẩy phát triển, giải pháp liên kết giữa các vùng với nhau, bổ sung giải pháp nhằm khai thác thế mạnh địa phương.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW chủ trì hội thảo.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo

Đối với sự phát triển của vùng, cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng tăng thu nhập bình quân đầu người, nâng cao thu nhập cho người dân. Ưu tiên phát triển kinh tế đối với các vùng có lợi thế để phát triển kinh tế, từ đó tạo động lực cho các vùng cùng phát triển.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong những năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, việc tháo gỡ những nút thắt để tăng cường liên kết vùng Trung du miền núi Bắc bộ là hướng đến mục tiêu đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ