Định hướng phát triển nhanh và bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

GD&TĐ - Ngày 16/11, tại tỉnh Lào Cai, đã diễn ra Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững vùng Trung du miền núi Bắc bộ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh tham dự hội nghị này.

Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo “Định hướng phát triển nhanh và bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng dự còn có lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, địa phương, nhà khoa học, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Theo ôngTrần Tuấn Anh, Hội thảo đã củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa quan trọng giúp Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020”. Từ đó, hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Đặc biệt là các giải pháp nhằm tháo gỡ các nút thắt có tính vùng, liên vùng.

Tại đây, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện liên kết vùng. Đặc biệt là định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hành lang kinh tế, cơ chế, chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển vùng. Đồng thời, khẳng định hướng tới hình thành không gian kinh tế vùng dựa vào nội lực là chính, nhưng nguồn lực đầu tư của Trung ương vẫn đóng vai trò quan trọng để dẫn dắt và khai thông các nguồn lực tại chỗ.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Vùng trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Vùng có vai trò bảm đảm tính bền vững cho môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ, có tiềm năng và lợi thế phát triển nhiều mặt cả về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây còn là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống với bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, đa dạng và là quê hương cách mạng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa.

Tuy nhiên, đây vẫn là “vùng trũng”, vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước; quy mô kinh tế còn nhỏ, trình độ phát triển thấp, không đồng đều, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tham luận về vấn đề quy hoạch phát triển vùng, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, các địa phương cần đẩy mạnh không gian phát triển với 4 hành lang phát triển.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới để thay thế với tầm nhìn, tư duy mới về vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.  Quan tâm xây dựng chiến lược phát triển vùng, có cơ chế đủ mạnh để đảm bảo nguồn lực và thực sự là động lực cho phát triển vùng, liên kết phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Phát biểu kết luận, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến tại Hội thảo đã làm sâu sắc hơn những kết quả trong triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua. Đặc biệt, các ý kiến đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập, những điểm nghẽn về chính sách thu hút nguồn lực; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ