Góp tiếng nói trách nhiệm với ngành Giáo dục qua Giải báo chí 'Vì sự nghiệp GD'

GD&TĐ - Từ năm đầu tiên phát động, Giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo phóng viên, nhà báo.

Nhà báo Nguyễn Văn Ba tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: NVCC.
Nhà báo Nguyễn Văn Ba tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: NVCC.

Những kỷ niệm ấn tượng

Năm 2018 là năm đầu tiên phát động nhưng Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã được đông đảo các phóng viên báo chí hưởng ứng và gửi tác phẩm tham dự.

Họ là những người dành tình cảm, tâm huyết để đồng hành với sự nghiệp phát triển giáo dục. Nhiều phóng viên, nhà báo đã tới những địa bàn khó khăn nhất tại các vùng miền để “gọt dũa” nên những tác phẩm tâm huyết, làm lay động lòng người.

Tác phẩm “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc” của nhóm tác giả báo Quân đội nhân dân giành giải A ở loại hình Báo in là một câu chuyện mang ý nghĩa đặc biệt như vậy. Tác phẩm được “sản xuất” đúng vào thời điểm lũ quét xảy ra tại các tỉnh vùng cao Tây Bắc vào tháng 8/2018.

Tác giả Đỗ Nam Thắng, báo Quân đội nhân dân, (giữa) chia sẻ cảm xúc khi tác phẩm đạt giải A tại Giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018.

Tác giả Đỗ Nam Thắng, báo Quân đội nhân dân, (giữa) chia sẻ cảm xúc khi tác phẩm đạt giải A tại Giải Báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018.

Theo tác giả Đỗ Nam Thắng, thành viên nhóm tác giả báo Quân đội nhân dân, chuyến đi đấy được anh và các đồng nghiệp dự liệu từ rất lâu. Dù nhóm đi tác nghiệp gặp điều kiện thời tiết xấu nhưng họ đã được tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả của giáo viên ở vùng lũ.

Từ trải nghiệm đó, nhóm tác giả càng dồi dào tâm huyết để viết ra những dòng chữ chân thật, tình cảm với mong muốn để lại cho bạn đọc nhiều ấn tượng tốt.

Còn Đại uý Trần Duy Văn, thành viên nhóm tác giả, chia sẻ, những năm qua, báo Quân đội nhân dân luôn bám sát, gắn bó và chia sẻ với những khó khăn của các trường và các thầy cô ở vùng núi cao biên giới.

Cá nhân đại uý Duy Văn nhận thấy thầy cô giáo ở vùng cao Tây Bắc có cuộc sống khó khăn, đời sống tinh thần cũng rất thiếu thốn. Tây Bắc cũng là “quê hương thứ hai” của tác giả Duy Văn bởi anh từng theo học tại Trường Đại học Tây Bắc (TP Sơn La, tỉnh Sơn La). Do đó, anh cũng phần nào hiểu được đời sống vật chất, tinh thần văn hóa của bà con và thầy cô giáo nơi đây.

Chính vì thế, anh và các đồng nghiệp thường có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ, sẻ chia với vất vả của thầy cô giáo nơi đây. Tác phẩm “Chuyện nghề, chuyện đời của những giáo viên vùng cao Tây Bắc” là một trong số đó.

Tác giả Nguyễn Văn Ba (thứ 2 từ trái sang) và các đồng nghiệp tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: NVCC.

Tác giả Nguyễn Văn Ba (thứ 2 từ trái sang) và các đồng nghiệp tác nghiệp tại vùng cao. Ảnh: NVCC.

Chạm đến trái tim công chúng

Nhà báo Nguyễn Văn Ba, Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết kể từ năm 2018 đến 2022, năm nào anh và đồng nghiệp cũng gửi tác phẩm dự thi Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Tại Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” lần thứ Nhất vào năm 2018, tác phẩm “Thay lời tri ân – Người thầy” của nhóm tác giả Ban Khoa giáo – Đài truyền hình Việt Nam đạt giải B ở loại hình báo Truyền hình. Kể từ đó, năm nào anh và các đồng nghiệp cũng có giải.

Dù vậy, năm nào khi hay tin đạt giải, anh Văn Ba cho biết cũng cảm thấy hạnh phúc không chỉ vì có giải thưởng mà còn còn vì những đóng góp thầm lặng của những người làm phim về giáo dục đã chạm đến trái tim của khán giả và Ban Giám khảo. Các tác phẩm cũng góp phần lột tả những cống hiến của các thầy cô giáo ở mọi miền Tổ quốc dành cho ngành Giáo dục.

Theo anh Văn Ba, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã góp phần giúp những nhà báo như anh và đồng nghiệp có thêm động lực để đóng góp những câu chuyện, tiếng nói trách nhiệm với ngành Giáo dục.

“Trách nhiệm của chúng tôi đầu tiên là viết mô tả chân thực nhất về đời sống giáo dục. Cám ơn Ban tổ chức Giải đã giúp chúng tôi làm tốt hơn điều đó”, anh Văn Ba cho hay.

Tại Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018, 43 tác phẩm đạt giải, trong đó có 4 Giải A, 8 Giải B, 11 Giải C và 20 Giải Khuyến khích, 1 giải đặc biệt được ban giám khảo bình chọn từ 4 giải Nhất của 4 loại hình báo chí.

Những tác phẩm đã khắc họa sống động những tấm gương nhà giáo đã có sự hy sinh thầm lặng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Trong đó có gương những nhà giáo ban ngày đi dạy, ban đêm đi đánh cá để nuôi học trò; có gương sáng ngời của những nhà giáo “tóc đã điểm sương”, tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn dạy trẻ khuyết tật, gương những nhà giáo vượt qua sự kỳ thị của xã hội để dạy trẻ nhiễm HIV…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ