Đây là nhận định của ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký-Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng Tiểu ban Phát thanh - Truyền hình Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2023.
- Ông đã có bao nhiêu năm gắn bó với Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam?
Hiện nay, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam đã tròn 5 năm tổ chức và tôi gắn bó trọn vẹn với Giải trong 5 năm này. Với tôi, đây là quãng thời gian hết sức đặc biệt. Từng là nhà báo theo dõi mảng giáo dục trong nhiều năm, khi đọc các tác phẩm của đồng nghiệp, tôi như được sống lại quãng thời gian mình gắn bó, viết về thầy cô, mái trường, về ngành Giáo dục trên cả nước.
Ông Đồng Mạnh Hùng đã có 5 năm gắn bó với Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2023. |
- Là người gắn bó với Giải từ đầu, ông đánh giá thế nào về các tác phẩm dự thi, đặc biệt là tác phẩm đoạt giải?
Trong 5 năm, tôi đã thấy sự thay đổi, phát triển đi lên rất mạnh mẽ của Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Đó là số lượng các tác phẩm ngày càng lớn hơn, tác giả tham gia đông hơn, địa phương tham dự giải nhiều hơn…
Các tác phẩm dự thi phản ánh bức tranh sinh động của toàn ngành Giáo dục, cả những vấn đề đã và đang làm, cả những gì làm được và chưa làm được, cả thuận lợi, khó khăn, tích cực và hạn chế; những vấn đề thời sự giáo dục, chính sách giáo dục; những gương tập thể, cá nhân dạy tốt, học tốt trên khắp mọi miền đất nước.
Không chỉ dừng lại ở phản ánh, nhiều tác phẩm báo chí kiến giải, đưa giải pháp cho những vấn đề quan trọng của ngành, giúp giáo dục ngày càng phát triển tốt hơn lên. Điều này cho thấy cho ra đời Giải là một quyết định đúng đắn.
- Trong 5 năm tổ chức Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, có đến 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Bối cảnh đặc biệt này có ảnh hưởng gì đến tác phẩm dự giải không?
Không những không ảnh hưởng mà chính những vấn đề phát sinh từ dịch Covid-19 lại là mảnh đất màu mỡ để các nhà báo khai thác.
Thực tế chấm Giải, tôi thấy nhiều tác phẩm tham gia dự thi trong các năm này phản ánh những cách làm rất đặc biệt của ngành Giáo dục, của các nhà trường, thầy cô, học trò để “tạm dừng đến trường, không dừng học”, cố gắng với mục tiêu chất lượng.
Đó là câu chuyện về một nhà giáo ở Trấn Yên, Yên Bái với sáng kiến giao bài học cho học sinh bằng ống tre, nhựa. Bài được đút vào ống và treo ở cửa nhà. Học sinh nhận và trả bài vào ống để thầy cô đến lấy. Cách làm này giúp trò học kịp chương trình, góp phần giữ ổn định chất lượng dạy học và được nhiều nơi làm theo.
Hoặc tác phẩm viết về việc học online của học trò vùng cao - những em vốn chưa từng tiếp cận với hình thức học mới mẻ này trước đây. Rồi các tác phẩm về tình thầy trò, những vấn đề phát sinh từ dịch Covid-19 khiến ngành Giáo dục phải thay đổi để thích ứng…
Có thể nói, tác phẩm dự Giải trong thời gian này đã ghi được khoảnh khắc rất đặc biệt của ngành Giáo dục; phản ánh được nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh toàn ngành để vượt lên khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Đồng Mạnh Hùng (ngoài cùng phía trái ảnh) cùng các giám khảo chấm Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam. |
- Ông có lưu ý, gửi gắm gì đến các tác giả của Giải trong những năm tiếp theo?
Tôi cho rằng, giáo dục là vấn đề lớn, động chạm đến mọi người, mọi nhà. Không phải chỉ người theo dõi ngành mà bất cứ ai cũng có thể viết được.
Với nhà báo, khi đặt bút viết về giáo dục, cần đắn đo, suy nghĩ, làm sao để có được đề tài mới mẻ; hoặc gần gũi nhưng độc đáo; chọn được nhân vật, vấn đề đại diện cho cả một vùng miền. Nên có so sánh, đối chứng với giáo dục ở địa phương khác, ở đất nước khác, để bài viết có cái nhìn toàn diện, nhiều góc cạnh. Nên đầu tư để những loạt bài, vấn đề đề cập trong bài được giải quyết rốt ráo, từ cách đặt vấn đề để giải pháp, giúp bài viết đạt hiệu quả tốt nhất.
Về hình thức, cần đầu tư nhiều hơn nữa để có hình thức mới mẻ, sáng tạo, hiện đại, hấp dẫn người đọc.
- Xin cảm ơn ông!