Góp tiếng nói trách nhiệm qua Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Đối với nhà báo Nguyễn Thu Hoài, mỗi mùa Giải đều mang lại cảm xúc riêng và nhắc nhở mình phải nỗ lực, trách nhiệm hơn nữa với nghề.

Nhà báo Thu Hoài (bên trái) và Nhà báo Thu Hà (ở giữa) tại lễ trao giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Ảnh NC.
Nhà báo Thu Hoài (bên trái) và Nhà báo Thu Hà (ở giữa) tại lễ trao giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam. Ảnh NC.

Trưởng thành hơn khi dự thi

Nhà báo Nguyễn Thu Hoài - Báo Đại đoàn kết đã có hơn 10 năm công tác trong nghề. Trong đó, chị đã gắn bó với lĩnh vực Giáo dục 8 năm. Chị là một trong số ít tác giả hai lần liên tiếp đoạt Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Chị chia sẻ: “Đối với mỗi, phóng viên khi tác phẩm của mình được vinh danh là một niềm vui lớn, đặc biệt là những người theo dõi Giáo dục. Vì vậy, hàng năm mỗi mùa giải đều cho tôi cũng cảm xúc riêng. Sau loạt bài đầu tiên đoạt giải khuyến khích, tôi như được tạo thêm động lực để phấn đấu, góp thêm những câu chuyện lan tỏa, tiếng nói trách nhiệm với ngành Giáo dục”.

Nhóm tác giải của Báo Đại đoàn kết đạt giải Nhất Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam lần thứ 4.

Nhóm tác giải của Báo Đại đoàn kết đạt giải Nhất Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam lần thứ 4.

Theo nhà báo Thu Hoài, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam ngày càng có sự cạnh tranh cả về chất lượng và số lượng. Bài tham gia dự giải ngày càng cao. Đây là thách thức buộc các phóng viên tích cực tìm tòi, phát hiện và thể hiện đề tài sâu sắc, đa chiều hơn.

Chính vì vậy, khi nhóm tác giả Báo Đại Đoàn Kết giành được giải Nhất cuộc thi trong năm tiếp theo với loạt bài “Học sử để thêm yêu Lịch sử nước nhà” năm 2022, tôi rất vui mừng.

Đây là loạt bài phản ánh về thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay. Từ loạt bài này, nhiều giáo viên, chuyên gia đầu ngành đã bày tỏ những suy nghĩ, trăn trở, đau đáu về môn Lịch sử.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, nhiều ý kiến tâm huyết về giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông đã được nêu ra.

Loạt bài này nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc khi đăng đúng thời điểm môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT trong Chương trình GDPT 2018.

"Năm 2023 là lần thứ 6 Giải được tổ chức. Có thể thấy Giải báo chí này càng thể hiện tính chuyên nghiệp, thu hút sự tham gia của đông đảo các cây viết trên cả nước", nhà báo Thu Hoài nhận định.

Theo chị, hàng loạt các vấn đề nóng được báo chí phản ánh như: việc biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa mới; phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT; lương, chế độ giáo viên giáo viên; tự chủ đại học; học phí đại học đã được phản ánh, bày tỏ… Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội với ngành Giáo dục nước nhà.

“Giải báo chí vừa là nơi gửi gắm tâm tình, trao đổi thêm về nghiệp vụ, vừa là cơ hội để mỗi tác giả bằng ngòi bút của mình góp thêm tiếng nói, truyền tải thông tin, vấn đề nóng của ngành Giáo dục phục vụ bạn đọc một cách khách quan và đa chiều. Hơn cả niềm vui, Giải cũng là động lực để tôi tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục nói riêng và sự nghiệp Báo chí nói chung”, Nhà báo Thu Hoài chia sẻ.

Năm 2023, nhóm tác giả Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục có thêm một số tác phẩm tham dự giải. Không chỉ vì mục đích đoạt giải mà qua quá trình dự giải, mỗi tác phẩm cho thấy rõ hơn trách nhiệm của đội ngũ nhà báo.

Bám sát hơi thở cuộc sống

Nhà báo Đặng Thu Hà – Báo Quân đội Nhân dân chia sẻ: “Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là một Giải uy tín, góp phần khuyến khích, động viên các nhà báo, phóng viên, biên tập viên hoạt động tích cực trong lĩnh vực báo chí Giáo dục. Các tác phẩm đạt giải đều có chất lượng cao, phản ánh chân thực, khách quan về sự phát triển Giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng báo chí Giáo dục.

Giải cũng là một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên. Thông qua Giải báo chí, các nhà báo chuyên và không chuyên có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau, góp phần nâng cao trình độ, nghiệp vụ”.

Theo nhà báo Thu Hà, để chất lượng giải báo chí nâng lên, bám sát hơi thở cuộc sống, đầu tiên là nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Các tác phẩm báo chí tham dự Giải có tính thời sự, tính chuyên sâu, tính tư tưởng, tính nghệ thuật cao, phản ánh chân thực, khách quan về thực trạng giáo dục, đào tạo cần được khuyến khích.

Nhà báo Đặng Thu Hà – Báo Quân đội Nhân dân trong một lần đi công tác.

Nhà báo Đặng Thu Hà – Báo Quân đội Nhân dân trong một lần đi công tác.

Giải báo chí cần mở rộng phạm vi tác phẩm báo chí, bao gồm cả các tác phẩm báo chí trên báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói và báo ảnh; có thêm những giải phụ. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tham gia Giải.

“Tôi là một phóng viên theo dõi lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo. Tôi đã tham gia Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nhiều năm và có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp để viết những tác phẩm dự Giải.

Dù những Giải tôi đạt được chưa cao nhưng nó cũng thể hiện sự nỗ lực, tìm tòi và tâm huyết để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Tham gia Giải báo chí, tôi có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với nhiều nhà báo, phóng viên, biên tập viên tài năng trong lĩnh vực Giáo dục. Tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các anh chị đi trước”, nhà báo Thu Hà nói.

“Tôi tin rằng giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là một sân chơi bổ ích và ý nghĩa cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên theo dõi lĩnh vực Giáo dục. Giải báo chí đã góp phần nâng cao chất lượng báo chí, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sự nghiệp giáo dục và đào tạo”, nhà báo Đặng Thu Hà – Báo Quân đội Nhân dân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ