Nỗ lực thay đổi diện mạo của giáo dục vùng cao
Tác giả Nông Thị Thuý hiện đang công tác tại báo Bắc Kạn đã tham gia dự thi giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam với tác phẩm “Pác Nặm quan tâm xoá mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và là một trong những tác phẩm đạt giải năm nay.
Chia sẻ về niềm vui và vinh dự khi tuyến bài 3 kỳ đã lọt vào vòng trong và đoạt giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2023, nữ nhà báo cho biết: "Tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi tham gia cuộc thi, có thể thấy đây là dịp để chúng tôi góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của ngành Giáo dục đã và đang triển khai trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có địa phương vùng cao Bắc Kạn".
Nói về tác phẩm “Pác Nặm quan tâm xoá mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số” tác giả Nông Thị Thuý chia sẻ: Ý tưởng này được nảy sinh trong một lần tôi đi tác nghiệp viết về đề tài gương người tốt, việc tốt, mà sau này là tác phẩm đa phương tiện “Xóa mù chữ ở bản Mông, Dao Khuổi Bốc”. Tác phẩm đã phản ánh thực tế với những chi tiết, yếu tố cảm xúc nhân vật, niềm vui và khao khát được đến với con chữ của đồng bào Mông, Dao khi được học tập.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy như vậy là chưa đủ, vẫn cần tiếp tục có những bài viết sâu hơn để giúp độc giả hiểu rõ vấn đề cốt lõi mà ngành Giáo dục và các cấp, ngành đang nỗ lực không ngừng, nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét về công tác xóa mù chữ ở Pắc Nặm.
Qua trao đổi với thầy, cô giáo, đồng bào Mông, Dao ở Khuổi Bốc và lãnh đạo phòng Giáo dục Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn tôi ấn tượng với những chi tiết “toàn huyện mở được tới 25 lớp”, về những chính sách hỗ trợ rất thiết thực như “hỗ trợ 2 triệu đồng”, hỗ trợ học phẩm… tạo hiệu ứng lan toả rất tốt…
Cũng theo tác giả Nông Thị Thuý, thực tế nhận thấy, quá trình xóa mù chữ ở Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động người mù chữ đi học và duy trì sĩ số bởi họ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại khó khăn. Tuy nhiên địa phương đã có những cách làm hay để thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ trên địa bàn và đã đạt những bước chuyển rất tích cực.
Những kết quả và quá trình triển khai công tác xóa mù ở Pác Nặm thể hiện rõ nét chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục và sự vào cuộc của các cấp, ngành đối với công tác dân tộc, đặc biệt là đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn. Chủ đề, đề tài cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quan tâm công tác xóa mù chữ vùng dân tộc thiểu số, tạo hiệu quả thiết thực cho đồng bào.
Tác giả Nông Thị Thuý cho biết luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các đề tài về giáo dục vùng cao. |
Tạo hiệu ứng lan toả
Tác phẩm cũng cho thấy cần có những chính sách hỗ trợ và lồng ghép triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ kịp thời cho đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ vươn lên xóa mù mà còn tiến tới vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Những giải pháp xóa mù chữ hiện nay chính là tiền đề thực hiện các mục tiêu, trước mắt là mục tiêu xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2024.
Chia sẻ về quá trình tác nghiệp, chị Thuý cho biết: "Tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hết sức thuận lợi từ phía lãnh đạo địa phương, bà con trong thôn, xã và sự đồng hành của các thầy cô giáo tại các điểm xoá mù chữ.
Tuy nhiên, do huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn là một địa bàn vùng núi cao, xa xôi, để hoàn thiện tác phẩm, tôi phải đi nhiều địa bàn khác nhau; các xã, thôn cách xa nhau, phải đi vào nhiều khung thời gian có lúc ở địa bàn như ở xã Xuân La thì dạy vào buổi sáng, nhưng ở địa bàn xã An Thắng lại dạy vào buổi chiều, buổi tối…Chính vì vậy, tôi đã phải cân đối giữa công việc và gia đình".
Theo nhà báo Nông Thị Thuý, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2023 đã nhận được số lượng lớn tác phẩm dự thi, trong đó các tác phẩm đều có chất lượng tốt, bám sát các chủ đề lớn liên quan đến sự nghiệp giáo dục Việt Nam, với cách thể hiện độc đáo, sáng tạo; qua đó, cho thấy sức hút mạnh mẽ và sức lan toả lớn của giải báo chí này.