Gợi ý cách giúp trẻ đối mặt sự sợ hãi

GD&TĐ - Đôi khi, trẻ cảm thấy sợ hãi và đó là điều hoàn toàn bình thường. Thậm chí, đó có thể là một dấu hiệu tốt.

Điều quan trọng là phải trấn an một đứa trẻ đang lo lắng.
Điều quan trọng là phải trấn an một đứa trẻ đang lo lắng.

>>> Điều cha mẹ không nên làm khi con đang sợ hãi

>>> Làm gì khi con hay hoảng sợ?

>>> Giúp con thoát nỗi sợ… ma

Bởi, khi biết sợ hãi, trẻ sẽ không tự đặt mình vào những tình huống nguy hiểm. Dưới đây là những cách có thể giúp một đứa trẻ hay lo lắng học cách đối phó với cảm giác khó chịu đó.

Xác thực cảm xúc

Khi trẻ chia sẻ rằng, chúng lo lắng về điều gì đó, cha mẹ có thể dễ dàng nói những câu như: “Ồ, đó không phải là vấn đề lớn” hoặc “Đừng lo lắng về điều đó. Con sẽ ổn thôi”. Những kiểu phản hồi đó gửi đi một thông điệp rằng, cảm xúc của trẻ là sai.

Thay vào đó, phụ huynh hãy xác nhận cảm xúc của con bằng cách nói những câu như: “Có vẻ như lúc này, con đang cảm thấy thực sự lo lắng” hoặc “Mẹ cũng sẽ hơi lo lắng nếu phải đứng trước một đám đông”.

Sau đó, hãy gửi tới trẻ thông điệp rằng, cha mẹ tin tưởng con có thể thành công dù đang lo lắng. Hãy nói điều gì đó như: “Thật khó để làm những điều đáng sợ như thế này, nhưng mẹ tin, con có thể làm được”.

Cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu rằng, sợ hãi là điều hoàn toàn bình thường và con có thể chọn trở nên dũng cảm.

Phân biệt sợ hãi với các mối đe dọa thực sự

Phụ huynh cần nói chuyện với trẻ về việc lo lắng có ý nghĩa như thế nào để giữ bản thân an toàn. Ví dụ, nếu bị sư tử truy đuổi, não sẽ báo hiệu cho cơ thể rằng, trẻ đang gặp nguy hiểm. Khi đó, trẻ sẽ nhận thấy những thay đổi trong cơ thể như lòng bàn tay đổ mồ hôi và nhịp tim tăng lên.

Sau đó, phụ huynh hãy nói với con rằng, cũng có những lúc não kích hoạt báo động sai. Những báo động sai này có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi tột độ trước tình huống cận kề sự sống hay cái chết. Cảnh báo sai có thể bao gồm các tình huống như: Thử sức cho đội bóng rổ, phát biểu trước nhiều người hoặc chuẩn bị cho một bài kiểm tra.

Khi trẻ lo lắng, phụ huynh hãy hỏi: “Lúc này, bộ não của con đang đưa ra cảnh báo thật hay giả?”. Sau đó, giúp trẻ quyết định hành động cần thực hiện.

Phụ huynh cũng cần giải thích rằng, nếu đó là một mối đe dọa thực sự, trẻ nên lắng nghe những hồi chuông cảnh báo. Đồng thời, cần hành động để giữ an toàn. Tuy nhiên, nếu đó là một báo động giả, trẻ nên đối mặt với nỗi sợ.

Phụ huynh cần cho trẻ biết, mình tin con sẽ thành công dù đang lo lắng.

Phụ huynh cần cho trẻ biết, mình tin con sẽ thành công dù đang lo lắng.

Giải quyết những suy nghĩ tiêu cực

Giống như người lớn, trẻ cũng có xu hướng suy nghĩ tiêu cực. Suy nghĩ tiêu cực này có thể gây lo lắng và làm xói mòn lòng tự trọng của trẻ. Do đó, phụ huynh cần dạy trẻ một số kỹ năng để xác định những suy nghĩ tiêu cực. Sau đó, đặt câu hỏi và thay đổi thành những suy nghĩ tích cực, thực tế.

Để giải quyết một suy nghĩ tiêu cực, trước tiên, trẻ phải có khả năng phát hiện ra nó. Cha mẹ cần giúp trẻ tạo ra một danh sách ngắn những suy nghĩ tiêu cực mà con thường có. Sau đó, khuyến khích trẻ trở thành một thám tử thu thập manh mối để đánh giá bằng chứng đằng sau những suy nghĩ lo lắng.

Ví dụ, nếu trẻ thường xuyên tự nhủ: “Mình thật ngu ngốc”, hãy tự hỏi: “Điều đó có đúng không? Mình có ngu ngốc không? Đã có lúc nào mình chứng tỏ rằng bản thân thông minh chưa?”.

Khi trẻ có thể nhận ra và thách thức các suy nghĩ tiêu cực, bước cuối cùng là thay thế bằng một điều tích cực. Phụ huynh không nên vội nói: “Ôi con yêu, con không ngốc đâu”. Bởi, khi đó, trẻ không những không tin, mà còn không học được cách thay đổi suy nghĩ tiêu cực.

Thay vào đó, cha mẹ hãy hỏi: “Con sẽ nói gì với một người bạn đang nghĩ rằng họ thật ngu ngốc?”. Khi trẻ đưa ra phản hồi tích cực, hãy khuyến khích con nói với bản thân điều tương tự.

Điều quan trọng là phải trấn an một đứa trẻ đang lo lắng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là dạy chúng đối xử tử tế và trắc ẩn bằng cách tự nói chuyện lành mạnh hơn. Sau đó, khi cha mẹ không ở bên cạnh để đưa ra những lời trấn an, trẻ cũng có thể tự trấn an mình.

Hít thở sâu

Các nghiên cứu cho thấy, thở chậm và sâu có thể giúp hạn chế các triệu chứng của cả trầm cảm và lo lắng. Nếu trẻ gặp nhiều triệu chứng lo âu về thể chất, như nhịp tim đập nhanh hoặc cơ bắp căng cứng, cha mẹ hãy dạy con cách làm dịu cơ thể bằng một số bài tập thở đơn giản.

Việc thực hiện các bài tập này cùng nhau một vài lần sẽ giúp trẻ làm dịu cơ thể. Cha mẹ cũng hãy nói về cách trẻ có thể nhắc bản thân tự làm việc đó khi cảm thấy lo lắng.

Cha mẹ luôn là điểm tựa, mang đến cảm giác an toàn cho con.

Cha mẹ luôn là điểm tựa, mang đến cảm giác an toàn cho con.

Áp dụng phương pháp bậc thang

Những đứa trẻ lo lắng thường sẽ cố gắng hết sức để trốn tránh nỗi sợ của mình. Thật không may, việc tránh né chỉ làm tăng thêm sự lo lắng. Mặc dù có thể cảm thấy đáng sợ, nhưng việc đối mặt với nỗi sợ hãi sẽ giúp giải quyết lo lắng về lâu dài.

Nếu trẻ sợ điều gì đó cụ thể, như ngủ một mình trong bóng tối hoặc gặp gỡ những người mới, cha mẹ hãy giúp con đối mặt với nỗi sợ hãi từng bước một bằng cách sử dụng phương pháp bậc thang.

Mục tiêu của phương pháp này là để trẻ làm điều gì đó có mức độ đáng sợ vừa phải. Đồng thời, tiếp tục thực hành cho đến khi trẻ thấy điều đó không còn đáng sợ nữa. Sau đó, trẻ có thể thực hiện bước tiếp theo.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thực hiện từ từ. Nếu phụ huynh cố ép con làm điều gì đó quá đáng sợ, trẻ có thể trở nên sợ hãi hơn. Khi đó, nỗ lực của cha mẹ sẽ phản tác dụng. Do đó, phụ huynh cần trao đổi với con để đưa ra danh sách các bước cần thực hiện nhằm đối mặt với nỗi sợ hãi.

Đồng thời, hãy đặt ra mục tiêu chung. Nếu trẻ đạt được một cột mốc cụ thể, cha mẹ có thể cho con một đặc quyền hoặc phần thưởng.

Tùy thuộc vào nỗi sợ hãi của trẻ là gì, cha mẹ có thể thực hiện một vài bước hoặc có thể nhiều bước. Song, điều quan trọng là phải đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này. Từ đó, đảm bảo con đầu tư vào việc cố gắng tạo ra sự thay đổi.

Chuyển hướng sự chú ý

Nếu trẻ lo lắng về những điều chúng không thể kiểm soát, như sợ hãi rằng, ngày mai trời có thể mưa và khiến trận đấu bóng chày bị hủy, cha mẹ hãy giúp con thoát khỏi suy nghĩ đó.

Khi trẻ đang bận tâm đến một mối lo lắng cụ thể nào đó, hãy hỏi: “Con có thể làm gì để giải quyết vấn đề đó không?”. Nếu câu trả lời là có, cha mẹ hãy giúp trẻ giải quyết vấn đề. Ví dụ, nếu trẻ lo lắng về bài kiểm tra thì học tập sẽ là một ý tưởng hay. Hoặc, nếu trẻ lo lắng về việc không được vào đội bóng rổ, con có thể rèn luyện kỹ năng.

Tuy nhiên, nếu trẻ lo lắng về những điều bản thân không thể kiểm soát, như thời tiết hoặc hành vi của người khác, cha mẹ hãy thảo luận về thực tế rằng, điều duy nhất con có thể kiểm soát là cách mình phản ứng. Nói về cách trẻ có thể tận dụng tốt nhất thời tiết xấu hoặc cách phản ứng nếu ai đó có hành động ác ý.

Sau đó, hãy giúp trẻ thoát khỏi chủ đề đó. Việc sợ hãi không ngừng sẽ khiến trẻ mắc kẹt trong trạng thái lo lắng. Vì vậy, hãy giúp trẻ thay đổi tâm trạng.

Một cách hiệu quả để thay đổi tâm trạng là khuyến khích trẻ vận động và tham gia vào một hoạt động. Làm việc nhà, chạy bộ hoặc tham gia trò chơi là một số cách đơn giản để giúp trẻ thoát khỏi mọi lo lắng.

Nhận thức về phong cách nuôi dạy con

Một số cách nuôi dạy con thực sự có thể khiến tình trạng lo lắng của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ phải xem xét cách nuôi dạy con của mình cũng như những tương tác với trẻ. Trong số bốn phong cách nuôi dạy con được nhà tâm lý học Diana Baumrind xác định, cả cách nuôi dạy con độc đoán và dễ dãi đều có liên quan đến tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn ở trẻ em.

Mong đợi sự hoàn hảo và kiểm soát mọi hành động của con là cách chắc chắn gây ra sự lo lắng trong chính phụ huynh và trẻ. Cách nuôi dạy này có thể khiến trẻ liên tục cảm thấy bị áp lực phải thành công. Điều này có thể khiến trẻ tê liệt vì sợ hãi và cảm giác thiếu tự tin. Tuy nhiên, phương pháp nuôi dạy con quá dễ dãi cũng sẽ khiến trẻ có quá nhiều sự lựa chọn. Điều đó cũng có thể gây ra lo lắng.

Việc cha mẹ cho phép con mình tự giải quyết những rắc rối hằng ngày trong cuộc sống sẽ giúp trẻ phát triển khả năng phục hồi tốt hơn. Đồng thời, có các chiến lược đối phó lành mạnh với nỗi sợ.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Nếu sự lo lắng của trẻ kéo dài hơn hai tuần, cha mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Phụ huynh cũng nên tìm đến chuyên gia nếu sự lo lắng của trẻ ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày.

Rối loạn lo âu ở trẻ em là tình trạng phổ biến. Theo thống kê, có hơn 4 triệu trẻ em ở Mỹ (khoảng 7%) từ 3 - 17 tuổi gặp vấn đề lo lắng mỗi năm. Rối loạn lo âu có thể điều trị được. Tuy nhiên, tình trạng này thường không được nhận biết và chẩn đoán.

Trên thực tế, trẻ có thể sợ những đồ vật hoặc tình huống không thực sự gây ra mối đe dọa. Sự lo lắng này có thể ngăn cản trẻ làm những việc bé muốn. Thực tế, cách cha mẹ phản ứng với sự lo lắng của con mình sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ