Lắng nghe nỗi sợ hãi của trẻ

Lắng nghe nỗi sợ hãi của trẻ

Nỗi sợ hãi theo chúng ta suốt đời. ‘‘Người lớn như chúng ta chắc chắn ai cũng sợ điều gì đó’’, Jacqueline nói. Nỗi sợ hãi xuât hiện trước cả khi chúng ta sinh ra, khi sự căng thẳng của bà mẹ truyền sang thai nhi. Và sự chào đời đánh dấu bước rời xa mẹ đầu tiên của trẻ. Từ đó, nối sợ hãi luôn ở bên đứa trẻ.  Trong thời kì bú sữa mẹ, trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ. Nhưng thời gian này không kéo dài. Khi cảm thấy đói, rét hoặc bị đau, trẻ sẽ khóc đòi mẹ. Jacqueline cho rằng ‘‘đó là dấu hiệu của sự hình thành mối quan hệ giữa mẹ và trẻ hay nói cách khác, là tình mẫu tử đang lớn dần lên’’. Tất nhiên ở đây cũng có vai trò của người cha, vừa là người đồng bảo vệ song đồng thời cũng là người tách mẹ ra khỏi trẻ.
 

Từ 6 đến 8 tháng tuổi, nỗi ‘‘sợ hãi người lạ’’ xuất hiện, đánh dấu sự làm quen của các bé với những người chưa quen, không phải gia đình mình. Jacqueline giải thích : ‘‘ đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển, giống như khi bé mỉm cười và biết nói ‘‘không’’.

Không nên cho trẻ ngủ chung giường với cha mẹ
Sợ bóng tối bắt đầu xuất hiện khi trẻ lên ba hay bốn tuổi. Nỗi sợ hãi này được giải thích khi trẻ không muốn đi ngủ và phải ngủ một mình mà không có bố mẹ bên cạnh. Jacqueline cho biết bàn thân bà cũng dành nhiều thời gian để nhắc trẻ phải tập ngủ một mình trên giường của chúng, để trẻ tập quen dần với sự độc lập. Tất nhiên bóng tối không phải là nguyên nhân chính của nỗi sợ hãi này, mà do trí tưởng tượng của trẻ khi đối diện một mình với màn đêm. Thay vì giận hờn, bực tức do không được ngủ với bố mẹ, trẻ sẽ tưởng tượng những gì đáng sợ như một con quái vật, một tiếng động lạ trên nền màn hình đen đó. Jacqueline cũng ủng hộ việc nên có một ngọn đèn gần phòng của trẻ bởi điều đó giúp trẻ định hướng, khiến trẻ thấy an tâm hơn.

Khi trẻ không muốn đến lớp
Một nỗi sợ khác rất hay gặp phải ở trẻ, đó là sợ đi học. Đôi khi các bé có biểu hiện nôn hoặc khóc nức nở và nhất quyết không chịu đi học. ‘‘ Trường học đối với trẻ lúc này là nơi bắt nguồn của nỗi sợ hãi, sợ lớn lên, sợ phải đối mặt với người khác.’’ Nếu nỗi sợ hãi tăng cao, khuyến cáo các bậc cha mẹ đưa trẻ đi gặp bác sĩ tâm lý và có liệu pháp điều trị thích hợp để tình trạng này sớm chấm dứt.

Nói chung, lời khuyên dành cho cha mẹ là gợi ý để trẻ kể lại những gì khiến chúng lo sợ để từ đó hiểu trẻ và có phương hướng giải quyết. Cha mẹ cũng cần phải phân biệt những nỗi lo lắng rất đỗi bình thường của trẻ với những nỗi lo lắng có thể gây ra ‘‘hội chứng sợ hãi’’. Tóm lại, đáng lo nhất là khi nỗi sợ hãi cản trở sự phát triển của trẻ, khiến các em không dám giao tiếp, khám phá thế giới xung quanh một cách bình thường. Đặc biệt, không bao giờ chế giễu trẻ hoặc tìm cách né tránh vấn đề này như kiểu thả trẻ xuống bể bơi khi trẻ sợ nước. Cách đó sẽ khiến trẻ bị chấn động về tâm lý.

Sau đây là những cách cư xử mà cha mẹ nên tránh khi gặp phải vấn đề trên:

Phủ định: Đây là phản ứng mà cha mẹ thường mắc phải khi trẻ bị đau. Câu họ thường nói là ‘‘Có sao đâu’’ khi nghĩ rằng như thế sẽ giúp trẻ quên đau. Ngược lại, cần thừa nhận sự thật là trẻ bị đau, và tại sao chúng ta không nói những câu như : ‘‘Con sợ ư ? Con bị đau à ? Bố (mẹ) cũng đã rất sợ khi thấy con bị ngã.’’

Ép buộc: Đó là cách các ông bố hay thả trẻ xuống bể bơi khi chúng sợ nước.  Cách này không giúp ích gì cho trẻ trong việc tìm cách vượt qua nỗi sợ hãi, thay vì tự hào, trẻ có thể sẽ hoảng hốt hoặc bị mếch lòng. Hãy để trẻ tiến bộ từng chút một theo nhịp độ của riêng mình và chỉ giúp khi trẻ thực sự cần sự giúp đỡ.

Chê cười: Tuyệt đối tránh làm trẻ bị tổn thương khi nói những câu như : ‘‘Con thật nhát gan, cái gì cũng sợ’’ hay ‘‘Con có còn bé bỏng nữa đâu’’.
So sánh : Mỗi đứa trẻ là một cá nhân riêng biệt, không ai giống ai với những ưu và nhược điểm của mình. Tránh so sánh trẻ với người khác như : ‘‘Các bạn con đều làm được cả, ngay đến em con cũng vậy’’.

Bao bọc: Sự bao bọc thái quá sẽ chỉ làm gia tăng nỗi sợ hãi ban đầu, thậm chí biến nỗi sợ hãi đó thành vật cản cho sự phát triển của trẻ.

Kết tội: Nỗi sợ hãi sẽ nhân lên gấp đôi khi cha mẹ nói những câu tương tự như : ‘‘Lẽ ra con phải nói trước chứ, nếu thế thì chúng ta đã ở nhà rồi’’.

Làm yên lòng trẻ mà không lắng nghe: ‘‘Con ma chỉ có trên ti vi thôi, không có thật ngoài đời đâu’’, trước khi giải thích một cách khoa học, hãy lắng nghe để hiểu tâm trạng của trẻ, biết xem mối nguy hiểm nào mà trẻ đang tưởng tượng ra trong phòng của mình và vì sao trẻ nghĩ như vậy. Tiếp theo, hãy làm trẻ yên tâm, trong một số trường hợp, nên cắt bỏ bộ phim hoạt hình mà trẻ xem mỗi tối trước khi đi ngủ, mà đó là nguyên nhân khiến trẻ sợ hãi.

Mai Anh (Theo Migros Magazine)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ