Say rượu, bia là “thủ phạm” gây nhiều tai nạn giao thông trong dịp Tết

GD&TĐ - Thông tin từ Bộ Công an cho biết, 6 ngày đầu của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cả nước đã xảy ra 177 vụ tai nạn giao thông(TNGT), làm chết 112 người, bị thương 150 người. Riêng ngày 7.2 (mùng 3 tết) toàn quốc xảy ra 32 vụ TNGT đường bộ, làm chết 15 người, bị thương 40 người; 1 vụ TNGT đường sắt, làm chết 1 người. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê, con số những vụ TNGT đã có giảm so với những năm trước, nhưng số người chết, bị thương vì TNGT vẫn khiến chúng ta không khỏi giật mình về những thiệt hại do tai họa này gây ra cho xã hội.

Nguyên nhân của những vụ TNGT hầu hết là do ý thức của người tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm; vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định; chạy không đúng phần đường, làn đường; phóng nhanh, vượt ẩu... nhưng đặc biệt, hiện tượng say rượu, bia khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.

Vi phạm pháp luật giao thông một cách phổ biến trong những ngày Tết chứng tỏ ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, không có ý thức bảo vệ mình trước hiểm họa TNGT. Lực lượng tuần tra, kiểm soát TNGT trong những ngày Tết cũng thường ngại xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, dẫn đến người dân vi phạm pháp luật giao thông mà không sợ bị phạt.

Trong những ngày Tết, chuyện uống rượu, bia là không thể thiếu đối với người dân. Nhưng vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên lạm dụng rượu, bia một cách thái quá, sau đó tham gia giao thông dẫn đến không làm chủ tốc độ nên dễ gây ra TNGT là điều khó tránh khỏi.

Nguyên nhân TNGT phần nhiều xuất phát từ việc say rượu, bia khi tham gia giao thông, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu nào để kiềm chế, ngăn ngừa một cách hiệu quả. Việc đo nồng độ cồn và xử lý vi phạm của người tham giao thông là không xuể, là số rất ít so với số đông người vi phạm, do đó chưa có tác dụng ngăn ngừa, răn đe và thay đổi ý thức của người tham gia giao thông.

Để nâng cao được ý thức của người dân trong việc hạn chế say rượu, bia khi tham gia giao thông, ngoài việc xử lý người say rượu, bia khi tham gia giao thông một cách nghiêm khắc theo đúng quy định, cũng cần sử dụng đồng bộ các giải pháp như triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; in cảnh báo tác hại trong việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông trên vỏ chai bia rượu; tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ hơn nữa các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi say bia rượu khi tham gia giao thông; cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc xử phạt theo hướng tăng nặng hình phạt như tạm giữ phương tiện hoặc tịch thu phương tiện nếu gây hậu quả nghiêm trọng khi điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

 Có như vậy, mới có thể giảm thiểu tai nạn giao thông do người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ