Cơ hội và thách thức cho ngành sư phạm

GD&TĐ - Kết thúc tuyển sinh đại học đợt 1, điểm đáng chú ý của mùa tuyển sinh năm nay là một số trường sư phạm ở địa phương tiếp tục lâm cảnh khó khăn do không tuyển đủ học sinh. Đây là thách thức đối với các trường đào tạo ngành sư phạm nhưng cũng là cơ hội cần thiết cho những thay đổi lớn của ngành Giáo dục trong tương lai.

Nâng cao chất lượng các ngành sư phạm là yếu tố quan trọng trong đổi mới tuyển sinh
Nâng cao chất lượng các ngành sư phạm là yếu tố quan trọng trong đổi mới tuyển sinh

Theo thống kê của Trường Đại học Đồng Nai, kết quả tuyển sinh đợt 1 có 2 ngành bậc đại học (Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý) và 4 ngành bậc cao đẳng đào tạo sư phạm không có thí sinh nào trúng tuyển.

Ngành Toán thuộc chương trình đào tạo sư phạm chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) mới chỉ có một một sinh viên. Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk hiện có nhiều ngành mới chỉ tuyển được từ 1 - 3 sinh viên. Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, ngành Sư phạm Ngữ văn của trường có duy nhất một thí sinh đăng ký…

Tuyển sinh sư phạm năm nay khó hơn, bởi là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn cho ngành sư phạm bậc đại học là 17 điểm, cao đẳng là 15 điểm, trong khi mặt bằng điểm thi thấp nên nguồn tuyển hạn hẹp. Bên cạnh đó, ngành sư phạm các đại học địa phương kém sức hút hơn so với các trường ở thành phố lớn.

Để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tỉnh Thanh Hóa đã “đặt hàng” ĐH Hồng Đức mở 4 ngành đào tạo chất lượng cao, gồm sư phạm Toán, Vật lý, Lịch sử và Ngữ văn. Mỗi ngành đào tạo 20 sinh viên, các thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên.

Tuy nhiên, ngay cả khi Thanh Hóa đã có cam kết bảo đảm đầu ra cho sinh viên sư phạm chất lượng cao thì việc tuyển sinh cũng không hề đơn giản, chẳng hạn ngành Toán có 1 em, còn ngành Vật lý thì không có em nào. Song trên quan điểm bảo đảm “đầu ra” là yếu tố quyết định, lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) khẳng định nhà trường quyết không hạ “điểm đầu vào”; dù chỉ dạy cho 1 sinh viên cũng mở lớp. Đây là cách để hút người giỏi “đầu quân” cho ngành Sư phạm.

Hiện nay, trước thực trạng học sinh giỏi không chịu vào sư phạm thì việc các trường đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai có điểm chuẩn ổn định và ở mức cao như vậy là một tín hiệu vui.

Khi đầu vào sư phạm được thắt chặt, điểm trúng tuyển được tăng lên, số lượng tân sinh viên ít hơn những năm trước, sau 4 năm đại học, các sinh viên này sẽ trở thành những lao động tay nghề cao, không có nhiều đối thủ cạnh tranh, do đó công việc mơ ước lại càng trở nên có giá hơn bao giờ hết.

Thiết nghĩ, đào tạo giáo viên là một ngành học đặc thù. Mỗi một sinh viên khi bước chân vào ngành Sư phạm đã mang trọng trách lớn lao là đào tạo con người, nguồn nhân lực cho phát triển. Chính vì vậy, chất lượng ngành Sư phạm phải là vấn đề cốt lõi cho mọi kế hoạch đào tạo, tuyển sinh. Điểm chuẩn đầu vào ngành Sư phạm bậc đại học năm nay là 17, đó là nấc thang nay có thể “khó trèo” nhưng sẽ là “tấm lọc” cần thiết cho những thay đổi lớn của ngành Giáo dục trong tương lai.

Sắp tới, chúng ta bắt đầu thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới, siết chặt “đầu vào” là cần thiết và là bước đột phá để xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng một cách bền vững, cần có giải pháp đồng bộ để thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào ngành Sư phạm. Giải pháp đó liên quan tới chế độ dành cho sinh viên lúc đang học, việc làm khi ra trường và mức lương tương xứng khi đi làm.

Chủ trương đổi mới tuyển sinh Sư phạm năm nay đang kỳ vọng chúng ta sẽ biến những thách thức thành cơ hội để nghề giáo viên vẫn luôn là nghề cao quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.