Sự phổ biến của K-pop và K-drama có thể khiến bạn lầm tưởng aegyo là hành vi đáng yêu trong xã hội Hàn Quốc, nhưng thực tế không phải vậy. Thay vì yêu thích, người Hàn có khả năng sẽ “muốn đánh” nếu bạn aegyo trước mặt họ.
Văn hóa đại chúng
Trong tiếng Hàn, aegyo là sự kết hợp của 2 từ ae (yêu) và gyo (đẹp). Nó được dùng để chỉ hành động, lời nói, biểu hiện… dễ thương đến mức giống như trẻ thơ. Tất nhiên, người thực hiện aegyo phải “không còn ở độ tuổi trẻ thơ” nữa.
Khởi xướng và giới thiệu aegyo ra toàn cầu là SES, nhóm nhạc nữ thần tượng ra mắt năm 1997 và lập tức khiến toàn quốc, sau đó là cả thế giới điên đảo với bài hát Em là bạn gái (I’m Your Girl). Vũ điệu cùng biểu hiện khuôn mặt đầy dễ thương của 3 thành viên, Bada, Eugene và Shoo khiến người yêu âm nhạc mê cuồng.
Tiếp bước SES là nhóm nhạc đình đám Girls’ Generation với bài hát “Gee”. Toàn bộ lời hát, vũ điệu, biểu hiện lúc trình diễn của các nữ ca sĩ khi thể hiện “Gee” đều là aegyo. Sunny, một thành viên trong Girls’ Generation còn vang danh với biệt hiệu “aegyo đến mức… muốn đánh”.
Sau SES và Girls’ Generation, hầu hết các sao Hàn, bất kể thuộc lĩnh vực, giới tính nào, cũng đều thử aegyo ít nhất một lần. Cả những diễn viên hành động thường xuyên vào vai phản diện hoặc dữ dằn cũng aegyo.
Hành động aegyo được chia ra nhiều cấp độ, đơn giản nhất là dùng tay làm hình trái tim và khó nhất là “giống trẻ em hoàn toàn”. Nếu xem phim và MV Hàn Quốc, bạn sẽ luôn thấy cảnh các nhân vật trẻ “thả thính” nhau bằng cách đổi sang giọng nũng nịu, kéo dài âm tiết cuối của câu, đeo băng đô tai động vật, giả vờ hờn dỗi như trẻ con… Tất cả các hành vi, biểu hiện này đều là aegyo.
Nhìn chung, sao nữ sử dụng aegyo thường xuyên hơn sao nam. Tuy nhiên, gần đây, các nam thần tượng trẻ, đặc biệt là những người đang tham gia các chương trình thực tế tích cực aegyo hơn cả sao nữ thần tượng.
Một số người vô cùng thành công khi aegyo, nhận muôn vàn lời khen và yêu cầu thể hiện lại nhưng cũng không ít người thất bại, khiến người xem thất vọng và bản thân “xấu hổ đến muốn đào lỗ mà chui xuống”.
Sao Hàn nào cũng thử aegyo. Ảnh: Koreaherald.com |
Thực tế không dễ thương
Truyền thông đại chúng Hàn Quốc khiến thế giới tưởng aegyo là hành vi thông dụng và được yêu thích trong xã hội quốc gia này. Thực tế hoàn toàn ngược lại.
Trên phương diện lịch sử, aegyo có từ thời Goryeo (935 - 1392) và thịnh hành trong thời Joseon (1392 - 1910). Tuy nhiên, được dạy dỗ và sử dụng chúng chỉ có duy nhất một nhóm người là gisaeng (kỹ nữ).
Phong kiến Hàn Quốc coi trọng Nho giáo, áp đặt phụ nữ phải “tứ đức” đến mức cực đoan. Không có con gái nhà ai, cho dù thuộc nô lệ hay hoàng gia, lại được phép lẳng lơ hay tán tỉnh đàn ông. Các tiểu thư Hàn Quốc (con gái nhà quý tộc) còn không được phép ra khỏi nhà mà không trùm khăn choàng che kín đầu tóc, mặt mũi.
Gisaeng thì khác. Trong vai trò kỹ nữ, họ phải có kỹ năng quyến rũ và hoàn thành mưu đồ giành được sự ưu ái của đàn ông có địa vị cao. Aegyo cho phép gisaeng tỏ ra đáng yêu và yếu đuối, kích động bản tính thích ra vẻ trượng phu của một số đàn ông, cuối cùng thành công quyến rũ đối tượng.
Vì là “độc chiêu” của gisaeng, aegyo bị xem như hành vi thấp kém. Bước sang thời hiện đại, Hàn Quốc vẫn giữ thói gia trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực công sở. Nhiều khi, để làm dịu bầu không khí hoặc nịnh nọt cấp trên, cấp dưới bắt buộc phải aegyo.
Có 2 kiểu aegyo là aegyo tự nguyện và aegyo ép buộc. Bối cảnh công sở Hàn Quốc không hề lãng mạn mà cực kỳ khắc nghiệt. Nam nhân viên được nhận nhiều ưu ái, tin tưởng và trả lương cao còn nữ nhân viên thì bị chèn ép đủ bề. Để bảo vệ bản thân và tìm kiếm lợi ích, họ đành phải hạ thấp bản thân mà aegyo.
“Trong một số tình huống nhất định, aegyo có thể giảm bớt bầu không khí căng thẳng. Tôi thường tự động aegyo khi muốn dỗ dành cha mẹ hoặc là nhờ cậy bạn bè làm điều gì đó cho mình”, cô Park, sinh viên đại học đang trong độ tuổi 20 cho biết.
Cũng theo cô Park, yếu tố then chốt để thực hiện aegyo là phải đúng lúc, đúng chỗ. Bởi vì, “không phải lúc nào aegyo cũng mang lại kết quả như mong đợi. Nếu sai thời điểm và hoàn cảnh, nó chỉ tổ khiến đối phương bực bội, ghét bỏ”, cô giải thích.
Thời phong kiến, aegyo bị xem là hành vi thấp kém vì chỉ có kỹ nữ mới dùng. Ảnh: Koreaherald.com |
Aljosa Puzar và Yewon Hong, 2 tác giả của cuốn sách “Những cô gái dễ thương của Hàn Quốc: Tìm hiểu sâu về aegyo” chỉ ra, aegyo giống như phương tiện xã hội nhằm khơi dậy lòng trắc ẩn và thúc đẩy hành động giúp đỡ.
“Khả năng mô phỏng các đặc tính dễ bị tổn thương ở trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau chính là điểm mạnh của aegyo. Nó khiến người nhìn vào thấy bạn vô tội, đáng thương”, Puzar và Hong phân tích.
Nếu trẻ em Hàn Quốc làm nũng để được cha mẹ đáp ứng các vòi vĩnh của mình thì người lớn Hàn Quốc làm aegyo để tạo lợi thế cá nhân. Aegyo có mục đích bị mặc định là “chiêu trò của đàn bà, con gái”.
Phụ nữ Hàn Quốc ghét làm aegyo, vì nó khiến họ cảm thấy mình thấp kém. Đàn ông Hàn Quốc cũng không hẳn thích aegyo, vì nó khiến họ phải “ôm rơm rặm bụng”, hao phí công sức, thời gian, tiền bạc…
Các sao Hàn là những người có công đảo ngược vai trò của aegyo. Nhờ họ, aegyo nguyên thủy như chính nghĩa đen trong cái tên của nó. Tuy nhiên, nhiều nhà văn hóa, xã hội Hàn Quốc đang lo ngại vấn đề lạm dụng aegyo.
Thành thật mà đánh giá thì aegyo chỉ dễ thương khi người thực hiện nó biểu hiện đúng cách, chọn đúng thời điểm, hoàn cảnh. Nếu “trật lất”, aegyo quả thực khiến người ta “muốn đánh”, vì nó quá lố lăng.